TIỀM NĂNG VẠN NINH
Huyện Vạn Ninh nằm phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, trải dài từ đèo Cả (xã Đại Lãnh) đến Dốc Đá Trắng (xã Vạn Hưng) với chiều dài bờ biển trên 60 km và diện tích tự nhiên 561,9km2. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy trên địa bàn huyện tương đối đầy đủ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hoá của nhân dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.
Địa hình của Vạn Ninh gồm đồi núi, đồng bằng và vùng biển, hải đảo tương đối rộng lớn. Vịnh Vân Phong được hình thành bởi các đảo, bán đảo phong phú, đa dạng đã tạo thành hệ thống biển khép kín. Độ sâu mực nước vịnh lớn hơn 20 m, thậm chí có nơi đạt 27 m. Qua khảo sát, khu vực này có ít nhất 2 luồng ra vào cảng, nơi hẹp nhất lớn hơn 400 mét nên cho phép tàu ra vào cảng thành hai chiều. Diện tích mặt nước đạt 43.544 ha, mặt đất đạt 13.800 ha.
Khu vực Vân Phong - Đại Lãnh với hệ sinh thái tự nhiên, hoang dã có điều kiện thuận lợi để phát triển thành khu du lịch biển và du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.
Tiêu biểu trên địa bàn huyện có các danh thắng cảnh du lịch và những món ăn đặc sản như:
1. Mũi Đôi- Hòn Đầu tại bán đảo Hòn Gốm, Vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Nơi đón ánh Mặt Trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Đông Dương và cả Đông Nam Á lục địa). Nơi này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia về danh lam thắng cảnh.
2. Bãi biển Đại Lãnh là một địa danh không quá xa lạ với người dân và khách du lịch. Cách TP. Nha Trang khoảng 80km, du khách chỉ cần vượt qua đèo Cổ Mã là thấy ngay một bãi biển thoai thoải, cát trắng mịn, biển nước trong xanh kéo dài bất tận nối với màu xanh bao la của trời. Chính vì vẻ đẹp và địa thế lý tưởng của bãi biển Đại Lãnh nên người ta đã sớm nhận ra tiềm năng du lịch của nó. Bãi biển Đại Lãnh nằm dưới chân đèo Cả đã là điểm du lịch từ nhiều năm. Bãi biển này vào năm 1836 đã được vua Minh Mạng chọn làm biểu tượng khắc trên 1 trong 9 đỉnh đồng đặt trước Thế Miếu ở Huế.
3. Vịnh Vân Phong có phần đất vươn ra biển Đông xa nhất Việt Nam. Với độ sâu trung bình 20-27 mét và ưu thế kín gió, gần đường hàng hải quốc tế; đồng thời với ưu đãi của thiên nhiên đã tạo ra nhiều cảnh đẹp, yên tĩnh và nét hoang sơ. Nơi đây được tỉnh Khánh Hòa xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và được định hướng trở thành đô thị du lịch biển cao cấp theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt
4. Với điều kiện tự nhiên có cả rừng, biển, đồng bằng đã ban tặng cho huyện Vạn Ninh nhiều loại sản vật như: trầm hương, các loại thủy sản… tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa, ẩm thực, các sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Có thể nói đến như trầm cảnh và các sản phẩm làm từ trầm, chả cá, mực một nắng, nước mắm… Đến Vạn Ninh, không thể không nói đến ẩm thực được chế biến tư các loài thủy sản được đánh bắt, nuôi trồng tại địa phương với các món ăn dân dã như: bún mực, lẩu mực, bánh canh hẹ, tôm hùm, lẩu cá… trong đó nhiều món ăn đã nổi tiếng trong nước và quốc tế như bún mực, bánh canh hẹ.