Những năm trở lại đây, việc chuyển đổi trồng cây lúa sang trồng cây hoa màu của một số hộ nông dân tại thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong đó có hộ anh Trần Trung Tiến đã mạnh dạn chuyển hẳn sang việc trồng tỏi sẻ, dưa hấu, đậu phộng trên một chân ruộng trong năm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, sau thu hoạch trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Anh Trần Trung Tiến với ruộng luân canh của mình
Hộ anh Trần Trung Tiến ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, 7 năm trước là một trong những hộ nghèo của địa phương. Năm 1989, anh rời quê Hưng Nguyên, Nghệ An vào vùng đất Dốc đá trắng - xã Vạn Hưng lập nghiệp. Ban đầu anh mua 3 sào đất nhỏ phát rừng làm rẫy, nhưng hiệu quả không cao. Năm 1995, anh cải tạo các sào đất chuyển sang trồng ớt; tuy những năm đầu trồng ớt có lãi nhưng đời sống vẫn không cải thiện. Tới năm 1998, anh mua ruộng trồng lúa, việc trồng lúa giúp cuộc sống gia đình anh bớt nhọc nhằn hơn, nhưng mỗi năm con cái ngày càng lớn, mọi việc trông chờ vào mấy sào lúa không có khả quan. Đến năm 2000, được một số hộ nông dân gần nhà giới thiệu giống tỏi sẻ Lý Sơn, anh Tiến đã bắt tay vào trồng, bằng bản tính ham học hỏi, chịu khó chăm sóc vụ thu hoạch tỏi đầu tiên, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. Thấy đất không phụ lòng người, anh tiếp tục khai hoang diện tích đất vườn và đầu tư trồng tỏi, những năm sau diện tích tỏi của anh luôn tăng theo cấp số cộng; từ 3 sào tỏi năm 2001, đến nay diện tích tỏi của anh lên đến hơn 12 sào. Tuy nhiên, việc trồng một loại cây dễ làm cho đất đai bạc màu, thoái hóa, anh nghĩ ngay đến việc trồng luân canh nhiều loại cây màu; cứ 1 năm 3 vụ, anh trồng luân canh cây tỏi, thu hoạch tỏi xong anh trồng dưa hấu, sau đó anh tiếp tục trồng cây đậu phộng. Hiệu quả thấy rõ từ việc thu hoạch các loại cây màu trong một năm đạt sản lượng cao, quan trọng hơn làm cho đất đai thêm tươi xốp, màu mỡ. Anh đúc kết việc trồng luân canh cây màu 3 vụ trong năm là cách làm đúng đắn. Nhẩm tính với 3 vụ trồng tỏi, dưa hấu, đậu phộng, sau khi trừ chi phí sản xuất mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Anh Trần Trung Tiến - nông dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh nói: “mô hình tôi làm từ đất đồi để trồng tỏi sẻ, giống tỏi Lý Sơn, trong 1 năm 3 vụ, tiếp theo là trồng dưa hấu, sau đó vụ đậu phộng, nói chung cho năng suất rất cao so với những người làm cây khổ qua hay những cây trồng khác ở đây. Nếu tính thu nhập trong gia đình tôi, tính ra 1 năm 3 vụ tôi thu lãi trên 200 triệu trên năm.”
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Trần Trung Tiến còn là hội viên nòng cốt, đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi của địa phương. Nhiều năm liền anh được bình chọn là gương điển hình làm kinh tế giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Ông Phan Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh cho biết: “ 5 năm trước đây hộ ông Trần Trung Tiến thuộc hộ nghèo nhưng được sự hỗ trợ của Hội Nông dân và chính quyền. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; thì đến năm 2010 hộ gia đình ông Trần Trung Tiến vươn lên thoát nghèo. Những năm sau đó hộ ông là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, đặc biệt năm 2013 ông là hội viên nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh .”
Xã Vạn Hưng hiện có gần 30 hộ trồng mô hình luân canh cây màu, phần lớn tập trung tại thôn Xuân Đông, đây là vùng đất giáp biển, có địa hình đất cát vôi phù hợp với việc trồng tỏi sẻ, dưa hấu, đậu phộng. Những năm qua, từ mô hình trồng của 1 đến 2 hộ nhỏ lẻ, đến nay, do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ học tập mô hình của anh Trần Trung Tiến để khai hoang đất đồi, đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay các hộ sản xuất còn tự phát nên cần được các cấp, ngành quan tâm hướng dẫn cách làm mới trong thời gian tới. Để không những hộ nông dân có thu nhập ổn định mà góp phần đảm bảo duy trì sản xuất mô hình luân canh cây màu 3 vụ trong năm ngày càng đạt hiệu quả cao và quan trọng hơn là nhân rộng mô hình điểm từ xã Vạn Hưng đến các vùng đất cát giáp biển trên địa bàn huyện Vạn Ninh./.
Thực hiện: Hoài Duy