Năm 2022, huyện Vạn Ninh đã triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung khắc phục những hạn chế và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa đề án này.
Kết quả bước đầu
Triển khai đề án, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đến từng đơn vị, cơ sở. Đồng thời, thành lập Tổ công tác Đề án 06 huyện (14 thành viên), 13 xã, thị trấn (143 thành viên) và 84 thôn, tổ dân phố (hơn 500 thành viên). Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai bằng nhiều hình thức đến từng người dân. Lực lượng Công an huyện đã ngày đêm bám địa bàn, thu thập hồ sơ, thực hiện làm căn cước công dân gắn chíp điện tử cho hơn 111.113 trường hợp, đạt 89,2%. Hiện nay, toàn huyện còn hơn 13.400 trường hợp chưa làm căn cước công dân, phần lớn khó thu thận hồ sơ, thông tin, như: Đi nước ngoài, vắng mặt tại địa phương, không rõ nơi đến…
|
Bên cạnh đó, để làm sạch và giàu dữ liệu tiêm chủng, Công an huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế dựa trên hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19 để rà soát và xuất danh sách người dân cần xác minh thông tin theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, đã thực hiện xác minh, làm rõ thông tin cho hơn 29.600 người. Đồng thời, ngành y tế đã cập nhật dữ liệu của hơn 27.400 người dân lên hệ thống, đạt 92,5%; duyệt “hộ chiếu vắc xin” cho hơn 129.800 người, với hơn 332.400 mũi tiêm. Cùng với đó, huyện cũng đẩy nhanh việc rà soát, làm sạch và cập nhật lên hệ thống quản lý thông tin của 30.279/31.744 trẻ em; 6.353 đối tượng bảo trợ xã hội. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách theo quy định của Nhà nước kịp thời, đúng đối tượng. Để tạo thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh, các ngành chức năng của huyện đã tích cực triển khai đồng bộ dữ liệu căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế. Qua đó, đã có hơn 6.500 lượt bệnh nhân được cơ sở y tế tiếp đón, điều trị và giải quyết các thủ tục trong khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân. Ông Lê Văn Hùng, thị trấn Vạn Giã cho biết: “Việc hợp nhất sử dụng căn cước công dân để làm thủ tục khám, chữa bệnh rất thuận lợi, giúp người dân không phải chờ đợi lâu”...
Tập trung triển khai đồng bộ
Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng trang thiết bị thực hiện đề án tại cấp huyện và xã còn nhiều hạn chế. Hệ thống máy tính, máy in, đường truyền kết nối mạng phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ, thủ tục của công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa đồng bộ. Đường truyền hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thường xảy ra lỗi, chất lượng không cao đã làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho người dân. Nhân lực bố trí triển khai Đề án 06 chưa được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cùng với đó, tỷ lệ người dân am hiểu về công nghệ, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, máy tính còn ít. Do đó, việc đăng ký, giải quyết dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chủ yếu còn giữ thói quen đến trực tiếp tại trụ sở cơ quan, ban, ngành để thực hiện thủ tục hành chính...
Theo ông Trần Ngọc Khiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, trong năm 2023, huyện sẽ khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra. Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả Đề án 06. Trong đó, huyện giao cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 huyện là Công an huyện tăng cường theo dõi, nắm sát tình hình, kết quả thực hiện để hàng tuần, hàng tháng họp bàn, định hướng, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kịp thời các nhiệm vụ. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các ban, ngành, địa phương tập trung triển khai những phần việc đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Huyện sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; xem việc thực hiện đề án là nhiệm vụ trọng tâm phục vụ cho công tác chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn huyện; thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu chuyên ngành, làm giàu dữ liệu khi được kết nối, chia sẻ với dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương và nhân dân. Bên cạnh đó, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện giải quyết công việc trên dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu khi có nhu cầu; triển khai mạnh mẽ ứng dụng di động công dân số VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ về y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép, tài chính, ngân hàng…; đẩy mạnh việc tích hợp các giấy tờ công dân để sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội... Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị chức năng đơn giản hóa các bước, từ đăng ký mở tài khoản định danh điện tử đến thực hiện các thủ tục trên cổng dịch vụ công trực tuyến để người dân dễ tiếp cận...
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa