Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh năm 2023. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:
|
- Năm 2022, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tình hình KT-XH tỉnh đã phục hồi rõ nét, đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của tỉnh tăng so với năm 2021; nhiều chỉ tiêu vượt so với mục tiêu đề ra từ đầu năm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Năm 2023, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, kinh tế, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát có nguy cơ gia tăng. Bên cạnh đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng thúc đẩy thích ứng, mở cửa sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước… vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với phát triển KT-XH Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tiếp tục được triển khai, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân ngày càng tăng lên… là những điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục; các vấn đề thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, áp lực lạm phát khi nhu cầu trong nước phục hồi cũng sẽ tạo áp lực lên tình hình phục hồi, phát triển KT-XH tỉnh năm 2023.
- Xin ông cho biết một số mục tiêu chính trong kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh năm 2023?
- Về tổng quát, năm 2023, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khánh Hòa nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội; triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chịu đựng của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. UBND tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, hiệu quả, mỗi công việc phải có người chịu trách nhiệm, cơ quan triển khai; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
HĐND tỉnh đã thông qua 19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH năm 2023. Trong đó, về kinh tế, phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,7%; GRDP bình quân đạt 84,8 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,75 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 15.445 tỷ đồng (trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.985 tỷ đồng, thu nội địa đạt 13.460 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 71.300 tỷ đồng. Về các chỉ tiêu xã hội, phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,56%; số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 11.500 người, khoảng 83% lao động qua đào tạo; 36 giường bệnh/vạn dân, 11,5 bác sĩ/vạn dân; 94% dân số tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ đô thị hóa đạt 63%; có thêm 3 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới… Về các chỉ tiêu về môi trường, phấn đấu tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 46,3%; 90% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; 85% trở lên chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; 99,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 92% chất thải rắn đô thị được thu gom.
- Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, UBND tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
- Trong kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh năm 2023, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xúc tiến đầu tư; triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023; triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để bổ sung khai thác nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách năm 2023 vượt chỉ tiêu đề ra; tập trung phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách vào phát triển KT-XH, đầu tư kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa; thực hiện tiến bộ, dân chủ, công bằng xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người dân; hoàn thiện bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa