Sáng 27-3, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức lễ khánh thành dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn (thuộc huyện Vạn Ninh). Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653-2023). Công trình đưa vào khai thác góp phần kết nối, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông trong khu vực và hoàn thiện hạ tầng phía bắc Khu kinh tế Vân Phong.
Tham dự lễ khánh thành có các ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang; ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN tỉnh; Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Về phía lãnh đạo huyện Vạn Ninh có các ông Bùi Văn Cường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Thái Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; ông Đàm Ngọc Quang – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2015, đến tháng 9-2016, dự án bắt đầu thi công. Dự án có quy mô tuyến dài 14,3km, nền đường rộng 34m, mặt đường rộng 24m, có 6 làn xe, dải phân cách rộng 3m. Tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn là tuyến duy nhất kết nối vào bán đảo Hòn Gốm. Dự án được triển khai nhằm kết nối giao thông trong khu vực, đặc biệt là kết nối đảo Hòn Lớn và các đảo khác, từng bước hoàn thiện hạ tầng khu vực phía bắc Khu kinh tế Vân Phong. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mặc dù gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện thời tiết, vừa làm vừa phải đảm bảo giao thông, nhất là chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng với sự cố gắng của các đơn vị dự án đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra và chính thức đưa vào khai thác.
Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị xác định, định hướng phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp. Tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 cũng chỉ rõ, khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những khu đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm biển hiện đại, cảng nước sân gắn với khu phi thuế quan, công nghệ cao… Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đang trình Chính phủ, Khu kinh tế có 19 phân khu, trong đó tại khu vực bán đảo Hòn Gốm - Hòn Lớn được quy hoạch 5 phân khu: Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn, khu du lịch núi Khải Lương, Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch cao cấp Đầm Môn, khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son và khu đô thị, du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong: “Công trình này đưa vào vận hành là công trình quan trọng có tính chất là hỗ trợ, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn huy động để phát triển các dự án trong khu vực bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn. Sau khi công trình được đầu tư mới thì chắc chắn việc lưu thông, đi lại của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng khác thuận lợi. Ở khu vực này xác định 5 phân khu chức năng ưu tiên thu hút vào theo Nghị quyết 55 của Quốc hội, khi các dự án phát triển tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho nhân dân, đóng góp kinh tế - xã hội của địa phương góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị”.
Trên cơ sở các nghị quyết: 09 của Bộ Chính trị, 55 của Quốc hội, 42 của Chính phủ, tỉnh đã làm việc trực tiếp với một số nhà đầu tư chiến lược để thu hút vào các dự án lớn theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư và khu kinh tế Vân Phong. Tỉnh ủy đã thông qua định hướng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế này, định hướng đến năm 2030 với 30 dự án, nhóm dự án, thuộc 6 lĩnh vực ngành, nghề ưu tiên. Vì vậy, việc ưu tiên đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong khu Kinh tế Vân Phong là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nơi đây hội tụ các điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành. Khi các dự án cao tốc hoàn thành trong 3 năm tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Vân Phong kết nối với khu vực Tây Nguyên và các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, để công trình khai thác hiệu quả và lâu dài, các chủ dầu tư, sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo hành, bảo trì, sử dụng đúng các quy định pháp luật. Thời gian tới, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tiếp tục nỗ lực, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế để phục vụ thu hút đầu tư các dự án tại khu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh liên vùng, khu vực nói chung. Với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu mà Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra, hy vọng năm 2023 tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực như kỳ vọng.
Thanh Hải