Thời gian qua, Thanh tra tỉnh triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn. Nhờ đó, đã phát huy tinh thần trách nhiệm của người kê khai.
Triển khai nhiều giải pháp
Bà Phạm Thị Thanh Phương - Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 3 thuộc Thanh tra tỉnh (bộ phận được giao kiểm soát tài sản, thu nhập) cho biết, số lượng bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tương đối lớn (khoảng 6.500 bản kê khai lần đầu và khoảng 2.000 - 4.000 bản kê khai mỗi năm). Vì vậy, từ cuối năm 2021, Thanh tra tỉnh đã ban hành quy định về tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin bản kê khai tài sản, thu nhập; thành lập Tổ tiếp nhận, quản lý các bản kê khai; xác định các bản kê khai thuộc phạm vi kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra tỉnh và quản lý, lưu trữ, khai thác, kiểm soát theo quy định về tài liệu mật. Hàng năm, Thanh tra tỉnh đều tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh thông qua một website quay số ngẫu nhiên với sự chứng kiến của lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Cán bộ, nhân viên Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 2 (Thanh tra tỉnh) trao đổi nghiệp vụ kiểm tra bằng phần mềm thiết kế xây dựng cơ bản.
Từ cuối năm 2022, Thanh tra tỉnh triển khai phần mềm hỗ trợ kê khai tài sản, thu nhập thay cho việc kê khai thủ công đã thực hiện trên toàn tỉnh từ tháng 3-2021. Phần mềm mô phỏng đầy đủ thông tin về người kê khai, vợ (chồng), con chưa thành niên của người kê khai; mô tả chi tiết thông tin về tài sản, thu nhập cần kê khai; có các lưu ý về sai sót thường gặp khi kê khai đối với từng loại tài sản, thu nhập cần kê khai. Qua đó, giúp kê khai đúng, đủ và đảm bảo minh bạch, khách quan khi lựa chọn người được xác minh.
Năm 2023, Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn công tác kê khai tài sản, thu nhập cho 4.930 người tại 310 cơ quan, đơn vị. Thanh tra tỉnh cũng chú trọng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu về người được xác minh trước khi xác minh; đối chiếu thông tin, tài liệu giữa các cơ quan liên quan với tài liệu mà người được xác minh cung cấp; trường hợp người được xác minh có khả năng có tài sản ngoài tỉnh, Thanh tra tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan phối hợp cung cấp thông tin.
Thực tiễn xác minh cho thấy, nhiều trường hợp kê khai chưa đúng (chủ yếu do khách quan) và có nguyện vọng được điều chỉnh, bổ sung bản kê khai nhưng pháp luật về phòng, chống tham nhũng lại chưa quy định. Từ sự thống nhất về chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã đề nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn để từ đó có cơ sở hướng dẫn, cho phép điều chỉnh, bổ sung những bản kê khai đã nộp nhưng vì lý do khách quan mà kê khai chưa đúng, thiếu hoặc chưa rõ, với điều kiện người muốn điều chỉnh phải báo cáo giải trình các nội dung kê khai, cam kết về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; các cơ quan, đơn vị có báo cáo tổng hợp về các trường hợp điều chỉnh. Đến nay, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 1.023 bản kê khai được điều chỉnh, bổ sung của 22 đơn vị, địa phương. Đây cũng là lần điều chỉnh các bản kê khai tài sản, thu nhập duy nhất do Thanh tra Chính phủ hướng dẫn riêng cho Khánh Hòa.
Sẽ tập trung vào lĩnh vực, công việc dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Trong 2 năm 2022 và 2023, Thanh tra tỉnh hoàn thành xác minh tài sản, thu nhập cho 75 trường hợp tại 14 cơ quan, đơn vị và tiếp tục xác minh tài sản, thu nhập của các cá nhân được lựa chọn ngẫu nhiên trong năm 2024. Kết quả xác minh cho thấy, còn một số cá nhân chưa thực sự quan tâm đến việc kê khai tài sản, thu nhập; kê khai mang tính hình thức; hoặc có sai sót trong kê khai như: Không kê khai các thửa đất được cho tặng, thừa kế, tài khoản tiết kiệm ngân hàng do người khác nhờ đứng tên giùm; kê khai không đúng giá trị thực tế của tài sản; kê khai không đầy đủ thông tin, dữ liệu... Thanh tra tỉnh đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 50 trường hợp kê khai chưa đúng quy định; kiến nghị chỉ đạo chấn chỉnh việc kê khai trên toàn tỉnh và kiến nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp cung cấp thông tin.
Cán bộ thanh tra tham gia tập huấn sử dụng phần mềm hỗ trợ xác minh tài sản, thu nhập.
Bà Phạm Thị Thanh Phương cho biết, năm nay, Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh tập trung xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực, các khâu, công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ, đất đai, quy hoạch, đấu thầu, đấu giá... Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản, thu nhập của người được xác minh; thường xuyên tổ chức tập huấn, quán triệt nâng cao tính tự giác, trung thực, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong kê khai tài sản, thu nhập. Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh cho phép nhân rộng phần mềm hỗ trợ kê khai tài sản, thu nhập trên toàn tỉnh.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa