Do di chứng bệnh hiểm nghèo Não úng thủy mắc phải khi mới chào đời nên dù đã 7 tuổi nhưng em Mai Thanh Sang (học sinh lớp 1B – Trường Tiểu học Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) nhìn chỉ như em bé 2 tuổi. Tuy sức khỏe không được tốt do bệnh hiểm nghèo nhưng Sang luôn nỗ lực trong học tập và nhất là em đã vượt qua mặc cảm của bản thân, sống vui tươi, hòa đồng cùng các bạn.
Chúng tôi đến trường Tiểu học Xuân Sơn vào một ngày cuối tháng 4, tiếp chúng tôi là thầy Nguyễn Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, khi được biết mục đích đến trường để tìm hiểu thêm về trường hợp em Mai Thanh Sang, thầy Dũng đã nhiệt tình chia sẽ thông tin về Sang. Được biết, Sang là trường hợp đặc biệt khi em bị khuyết tật đặc biệt nặng do di chứng của bệnh hiểm nghèo Não úng thủy. Hiện nay, Sang cao chưa đến 80 cm và chỉ nặng 6,5kg; tiếp đó, thầy Dũng đã dẫn chúng tôi đến lớp 1B để gặp Sang. Từ ngoài cửa phòng học nhìn vào, dễ dàng nhận thấy Sang ngồi bàn đầu, nhìn nhỏ hơn nhiều so với bạn cùng lớp đang lắng nghe cô giáo giảng bài và nắn nót viết chữ. Thấy người lạ vào, Sang có vẻ rụt rè, e ngại. Tiếp chuyện về Sang, cô giáo chủ nhiệm lớp 1B Nguyễn Thị Huệ cho biết, Sang là trường hợp rất đặc biệt của lớp không chỉ vì em đang mắc bệnh hiểm nghèo mà còn vì hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Do bệnh tật nên khả năng tiếp thu kiến thức của Sang chậm so với các bạn nên hàng tuần cô Huệ phải dành 3 buổi để phụ đạo thêm cho em, ngoài ra cô Huệ cũng phải thường xuyên nói chuyện với gia đình và với Sang để nắm bắt tâm tư, thói quen giúp em có thể giao tiếp, hòa nhập với mọi người được tốt nhất. Điều đáng ghi nhận là em rất chuyên cần, nhiều bữa Sang mệt nhưng vẫn nỗ lực đến trường đều đặn; đặc biệt, Sang không mặc cảm với bản thân mà luôn năng động, vui tươi, hòa đồng với các bạn cùng lớp, cô Huệ chia sẽ.
Thầy Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, đối với Sang, Ban giám hiệu đã chỉ đạo với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn quan tâm đến em nhiều hơn để giúp em hòa nhập với các bạn và có được điều kiện học tập, vui chơi tốt nhất. Hiện Sang được nhận chế độ học sinh khuyết tật; ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên vận động các mạnh thường quân ủng hộ em về vật chất, dụng cụ học tập cho em.
Rời trường Tiểu học Xuân Sơn, chúng tôi đến nhà Sang tại thôn Xuân Trang, xã Xuân Sơn, tiếp chúng tôi là bà Phạm Thị Đức (bà ngoại của Sang), bà Đức cho biết, khi sinh ra, Sang đã mắc bệnh Não úng thủy, di chứng của bệnh làm Sang phát triển cơ thể rất chậm. Cách đây khoảng 5 năm, gia đình có đưa cháu đi khám ở thành phố Hồ Chí Minh 2 lần nhưng do cháu quá bé nên không thể điều trị được. Ngoài ra chúng tôi được biết, hoàn cảnh gia đình Sang cũng khó khăn khi thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Cha mẹ Sang đã chia tay nhiều năm nay, mẹ đang đi làm công nhân may ở xa với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng; hiện Sang và chị gái đang sống và nhận được sự yêu thương, chăm sóc của bà ngoại. Tuy nhiên, kinh tế gia đình bà Đức cũng khó khăn, thuộc diện cận nghèo của xã, thu nhập bấp bênh với nghề đan mây tre nhưng giờ cũng không có thu nhập do không có hàng để làm. Bà Đức cho biết thêm, ở nhà Sang rất vui vẻ; điều đó được dẫn chứng là ở lần gặp thứ 2 tại nhà, Sang không còn rụt rè, e ngại, thậm chí còn hát để tặng chúng tôi; em có thể tự lo việc sinh hoạt cá nhân nhưng việc tiếp thu vẫn chậm hơn bạn cùng trang lứa. Mong muốn của gia đình là đưa cháu Sang vào thành phố Hồ Chí Minh để khám, điều trị bệnh nhưng giờ kinh tế gia đình khó khăn nên chưa thể đi được.
Ông Lê Xuân Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, cháu Sang là trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng của xã, gia đình em thuộc diện cận nghèo, hiện mỗi tháng Sang nhận được 900 ngàn đồng tiền bảo trợ xã hội. Ngoài ra, khi địa phương tiếp nhận những phần quà của các mạnh thường quân thì vẫn ưu tiên cho Sang và gia đình nhận những phần quà để động viên, giúp cháu vui tươi và được chăm sóc tốt hơn.
Thanh Hải