Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch đang là xu hướng tất yếu trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, vấn đề trên vẫn chưa được xem trọng. Hiện nay, du lịch Khánh Hòa đang khởi sắc trở lại nên ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn việc giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch.
Hạn chế rác thải nhựa
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, năm 2019, 85 triệu lượt khách nội địa và 18 triệu lượt khách quốc tế đã xả lượng rác thải nhựa là 116.144 tấn. Ở Khánh Hòa, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng với lượng khách du lịch rất lớn thì lượng rác thải nhựa ắt cũng không nhỏ. Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã tuyên truyền, đề xuất các giải pháp để hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Từ năm 2019, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch (HHDL) Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức lễ phát động cuộc thi ý tưởng “Chống rác thải nhựa trong cơ sở lưu trú du lịch”, đồng thời vận động các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”.
|
Hưởng ứng phong trào ấy, nhiều khách sạn, khu du lịch đã sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông, ống hút nhựa. Đặc biệt, một số DN đã sử dụng vật liệu phế thải để làm các vật trang trí như là thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường. Điển hình như Khu du lịch Champa Island Nha Trang với vườn hoa, cối xay gió, hải đăng bằng rác thải nhựa; Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú sử dụng vật liệu phế thải để xây dựng công viên rác thải 5.000m2 ở Khu du lịch Hòn Lao - Đảo Khỉ. Hầu hết các khu nghỉ dưỡng đã chuyển từ việc dùng túi vải cho khách đựng đồ thay vì túi ni lông. Riêng Ana Mandara Cam Ranh sử dụng chai thủy tinh để đựng nước lọc, ống hút làm bằng tre, hoặc làm bằng gạo dùng một lần… “Chúng tôi luôn hướng đến việc phát triển du lịch xanh với việc tạo dựng không gian xanh, hạn chế đến tối đa việc xả thải ra môi trường. Hiện nay, khu nghỉ dưỡng đã nói không với đồ nhựa dùng một lần”, ông Lê Đại Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa phụ trách vận hành Ana Mandara Cam Ranh và Pax Ana Dốc Lết chia sẻ.
Cần có biện pháp hiệu quả hơn
Dù đã có những thay đổi nhưng thực tế cho thấy, việc giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng vẫn chưa có hiệu quả cao. Vì sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí, hầu hết DN du lịch vẫn sử dụng các sản phẩm nhựa để phục vụ du khách. “Trong các chỉ số năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021 (năm 2022 chưa công bố), Việt Nam có 4/17 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất. Đó là y tế và vệ sinh (hạng 73), hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 87), sự bền vững về môi trường (hạng 94). Nếu không hành động kịp thời, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục mất điểm trong mắt du khách”, ông Lê Đại Hải bày tỏ.
|
Trước thực trạng đó, mới đây, HHDL Việt Nam cùng Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch”. Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, HHDL Việt Nam sẽ xây dựng, áp dụng và thí điểm “Bộ tiêu chí công nhận DN du lịch không rác thải nhựa”; xây dựng và vận hành ứng dụng quản lý rác thải nhựa.
Ở tầm địa phương, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch HHDL Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, sắp tới, hiệp hội sẽ tái khởi động chiến dịch “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” với truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa tới người dân, du khách, DN du lịch. Ngoài ra, hiệp hội dự định đề xuất chính quyền địa phương ban hành quy định không được mang túi ni lông ra đảo… Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể để đẩy mạnh hơn nữa phong trào bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần tạo môi trường du lịch thân thiện.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa