Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống nên số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang có dấu hiệu giảm.
Kiểm tra bọ gậy tại nhà dân
Ông Nguyễn Năng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh cho biết, từ đầu tháng 12-2015 đến nay, số ca mắc SXH trên địa bàn huyện giảm 216 trường hợp so với tháng 11-2015, tháng đỉnh điểm trên địa bàn huyện với 606 ca. Nguyên nhân giảm là do các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp như: tuyên truyền, phát tờ rơi đến các gia đình; người dân diệt bọ gậy tại gia đình và khu dân cư… Ngành Y tế địa phương đã làm tốt công tác giám sát, xử lý các ổ dịch theo đúng quy trình của Bộ Y tế. “Chúng tôi đã phối hợp với đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân các xã tiến hành diệt bọ gậy, mỗi tuần 1 lần, rồi 2 tuần 1 lần tại những nơi có số người mắc bệnh SXH cao. Đồng thời, ngành Y tế liên tục tổ chức phun hóa chất trên diện rộng ở tất cả 13 xã, thị trấn. Nhờ vậy mà số ca mắc SXH trên địa bàn huyện đang có chiều hướng giảm”, ông Năng nói.
Theo đánh giá của ngành Y tế, tuy số ca SXH giảm nhưng vẫn chưa bền vững, bởi hiện nay, những ca bệnh nặng vào viện giảm không đều. Tính đến thời điểm này, toàn huyện ghi nhận 1.695 ca SXH, với 83 ổ dịch rải đều khắp các xã, thị trấn. Một số địa phương vẫn còn số ca mắc cao như: Vạn Phước 351 ca, Vạn Long 195 ca, Vạn Khánh 187 ca, Vạn Hưng 150 ca… Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, lúc nắng, lúc mưa, đây là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn phát triển mạnh. Ông Năng cho biết, qua giám sát chỉ số côn trùng trong các khu dân cư vẫn còn cao, điều này dễ dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh SXH nặng. Vì vậy, để bệnh không còn cơ hội bùng phát trở lại đòi hỏi các ngành chức năng phải có những biện pháp căn cơ, lâu dài; quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng, chống bệnh SXH cho cộng đồng dân cư.
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: “Chúng tôi không chủ quan khi dịch đã giảm, mà sẽ chỉ đạo các địa phương, ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt tăng cường công tác diệt bọ gậy, xem đây là việc làm thường xuyên của địa phương. Ngành Y tế tập trung giám sát và xử lý hóa chất những nơi có tỷ lệ muỗi vằn cao”.
Để hạn chế và tiến tới đẩy lùi bệnh SXH, ngoài việc vào cuộc của chính
quyền địa phương và ngành Y tế, thiết nghĩ người dân cần nâng cao nhận
thức phòng, chống bằng cách thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước
trong nhà, vệ sinh xung quanh vườn, không để bọ gậy sinh trưởng mắc màn
khi ngủ.
Nguồn: Báo Điện tử Khánh Hòa