Thời gian gần đây, ở một số địa phương xảy ra tình trạng người dân đốt dọn nương rẫy, xử lý thực bì nhưng bất cẩn đã gây cháy lan vào rừng. Tuy chưa có vụ cháy nào gây thiệt hại về tài nguyên rừng nhưng đây là những cảnh báo đối với các địa phương, đơn vị chủ rừng trong việc triển khai giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Nhiều vụ cháy lan
Trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, rừng trên địa bàn TP. Nha Trang luôn đặt trong tình trạng cảnh báo cháy ở cấp cao nhất - rất nguy hiểm (cấp V). Ông Nông Khánh Sơn - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nha Trang cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn Nha Trang đã xảy ra 5 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu do người dân đốt dọn nương rẫy gây cháy lan vào các diện tích cỏ tranh, cây bụi... không gây thiệt hại về tài nguyên rừng. Trong đó, có vụ cháy xảy ra vào ngày 6 và 7-5 trên núi Chín Khúc, tại khoảnh 1, tiểu khu 247 (xã Vĩnh Trung), ước tính sơ bộ, diện tích bị cháy khoảng 20ha, thuộc quy hoạch rừng sản xuất, với hiện trạng đất trống núi đất, có cây gỗ tái sinh”.
Lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cũng luôn thường trực nỗi lo cháy rừng, bởi đây là thời điểm người dân các địa phương miền núi đốt dọn nương rẫy để canh tác. Theo thống kê của đơn vị, từ đầu mùa khô đến nay đã xảy ra 7 vụ đốt dọn nương rẫy, cháy lan sang diện tích rừng, đất rừng của đơn vị ở các địa phương, như: Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh), Cam Phước Tây, Cam Tân (huyện Cam Lâm), Sơn Hiệp, Sơn Trung (huyện Khánh Sơn). Nhờ lực lượng tuần tra phát hiện, xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.
Ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết, các đội PCCCR luôn phối hợp với UBND các xã có lâm phận của công ty tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR; vận động người dân khi đốt dọn nương rẫy phải làm ranh cản lửa, phải báo cho chính quyền cơ sở, công ty để tham gia hỗ trợ, nhằm chủ động phòng cháy, không để cháy lan vào rừng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ khi đốt dọn nương rẫy không làm ranh cản lửa, không có người canh coi, đốt trong lúc có gió lớn... Trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, tại các địa phương như: Khánh Thượng, Liên Sang, Cầu Bà, Giang Ly, Sơn Thái, Khánh Thành…, ở mỗi địa phương xảy ra 2 - 5 vụ đốt dọn nương rẫy không được kiểm soát chặt chẽ. Điều đáng lo là khi lực lượng bảo vệ rừng của công ty đi tuần tra, người dân không đốt dọn rẫy, khi không có mặt lực lượng chức năng thì người dân lại đốt, thậm chí đốt vào đêm khuya. Như vụ việc xảy ra tại km38 trên đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng ngày 3-5, người dân đốt rẫy lúc 23 giờ, gần rừng trồng năm 2002 của công ty, gây cháy lan. Lực lượng chốt bảo vệ rừng của công ty phát hiện, huy động lực lượng kiểm lâm, công an xã tham gia chữa cháy kịp thời nên chỉ bị thiệt hại diện tích nhỏ ở bìa rừng, không cháy lan trên diện rộng.
Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa ngăn không cho đám cháy ở xã Sơn Hiệp lan vào rừng (Ảnh do đơn vị cung cấp).
Tập trung tối đa cho công tác phòng cháy
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, khiến nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đối mặt với cấp dự báo nguy hiểm (cấp IV), rất nguy hiểm (cấp V). Do đó, công tác PCCCR hiện nay rất cấp bách. Ngày 5-5, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác PCCCR. Các cơ quan, đơn vị cần huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, sử dụng lửa trong và gần rừng; nghiêm cấm việc phát, dọn, đốt xử lý thực bì trong suốt thời gian có nguy cơ cháy rừng cao. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tập trung tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…
Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: “Các địa phương, đơn vị chủ rừng cần xác định rõ quan điểm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời; nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian này là tổ chức ứng trực nhằm phát hiện sớm đám cháy để kịp thời dập tắt, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, tập trung công tác tuyên truyền, nhất là các khu vực có người dân sinh sống, sản xuất gần rừng và ven rừng… để người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác PCCCR”.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trong cao điểm mùa khô năm nay, toàn tỉnh có hơn 62.289ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy, gồm: hơn 31.903ha rừng tự nhiên và hơn 30.385ha rừng trồng. Trong đó, TP. Nha Trang có hơn 1.389ha, TP. Cam Ranh 1.079ha, thị xã Ninh Hòa hơn 4.781ha, huyện Khánh Vĩnh hơn 33.949ha, huyện Khánh Sơn 7.748ha, huyện Diên Khánh hơn 4.441ha, huyện Cam Lâm hơn 7.323ha và huyện Vạn Ninh hơn 1.541ha.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa