Ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh những năm gần đây, nhiều hộ phụ nữ đã thành công với mô hình làm chả ram tôm đất, bước đầu cho thu nhập khá và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nông nhàn ở địa phương. Trong đó mô hình làm chả ram của bà Nguyễn Thị Thanh Định là một trong những mô hình tiêu biểu được Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao đối với đề án khởi nghiệp của phụ nữ vùng nông thôn.
Nhiều năm trước, bà Nguyễn Thị Thanh Định theo nghề làm bánh tráng, và đây cũng là nghề truyền thống của gia đình để lại. Thời gian sau, do nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng làm bằng máy móc hiện đại xuất hiện khiến nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình bà ngày càng khó khăn. Sau nhiều năm trăn trở, từ chính nơi ở của gia đình, bà đã nảy ra ý tưởng làm chả ram tôm đất. Vừa tận dụng nguyên liệu tôm tại địa phương, vừa giải quyết việc làm cho chính mình. Lúc đầu, bà làm cho gia đình, họ hàng trong các dịp giỗ, lễ, Tết. Dần dà, sản phẩm của bà càng được nhiều người biết đến dùng thử và đặt mua. Nhờ lựa chọn kỹ càng trong nguyên liệu nên sản phẩm chả ram của bà Định được người dân trong vùng đánh giá sạch, ngon và có hương vị đặc trưng. Từ đó, bà mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất với khu làm đồ tươi riêng biệt rộng hơn 40 mét vuông; nhà cuốn chả được phủ kín và trang bị máy lạnh hơn 70 mét vuông nhằm tránh ruồi, bọ. Tiêu chí “Sạch” được bà đưa lên hàng đầu nên các công đoạn sản xuất chả ram luôn đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.
Chính vì thế, sau nhiều năm mô hình làm chả ram tôm đất cô tư vang xa khắp mọi nơi trên địa bàn huyện; qua đó nhu cầu đặt mua chả ram cũng tăng lên, đồng nghĩa với việc cần lao động thời vụ để cuốn chả ram. Hiện nay mô hình làm chả ram của bà Nguyễn Thị Thanh Định giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động phụ nữ nông nhàn ở địa phương với mức thu nhập bình quân 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng 1 người 1 ngày. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các hộ gia đình, quán ăn tại huyện Vạn Ninh và thành phố Nha Trang. Nói về kỹ thuật làm món chả ram tôm đất, bà Định chia sẻ: “Cái chính là phải lựa chọn nguyên liệu tôm đất thật tươi ngon và đảm bảo vệ sinh. Quá trình cuốn, người cuốn sẽ phết một ít bột mì đã chín lên góc bánh để khi chiên cuốn chả không bị bung ra, cuối cùng hong khô bằng quạt để những cuốn chả không bị dính vào nhau rồi cho vào bịch đóng gói”.
Đánh giá về mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của bà Định, lãnh đạo hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Thắng cho biết, ý tưởng khởi sự của bà Định là một trong 58 ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tham gia trên nhiều lĩnh vực tại vòng chung khảo “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2019” như: Nông nghiệp - trồng trọt, ngư nghiệp, dịch vụ, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…Điều này cho thấy hoạt động ngày phụ nữ khởi nghiệp đã có sự lan tỏa và thu hút sự quan tâm của phụ nữ trong việc tìm ra những sản phẩm, ý tưởng mới để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Thắng cho biết: “Bà Định đã đầu tư cơ sở sản xuất bài bản, vệ sinh, sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều, được người dân trong vùng đánh giá là ngon, có mùi vị đặc trưng. Cơ sở cũng đã giải quyết việc làm cho phụ nữ tại địa phương lúc nông nhàn với thu nhập thêm ổn định, cải thiện đời sống gia đình”.
Trong thời gian tới, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Thắng sẽ hướng dẫn mô hình chả ra của bà Định làm hồ sơ đăng ký thương hiệu chả ram tôm đất “Cô Tư”; nhằm giúp khẳng định được mô hình và tạo sự ổn định đầu ra cho cơ sở làm chả ram; bởi hiện tại cơ sở làm chả ram này cũng chỉ là mô hình làm chả ram nhỏ lẻ, sản phẩm đầu ra chưa ổn định, còn bấp bênh. Do đó, để nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp vùng nông thôn cần sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp ngành và Hội liên hiệp phụ nữ huyện và tỉnh trong thời gian tới./.