Phiên tòa xét xử trực tuyến được tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh chính thức triển khai từ tháng 9. Kết quả cho thấy, việc triển khai bước đầu có hiệu quả.
Bảo đảm đúng quy định
Ngày 12-11-2021, Quốc hội ra Nghị quyết số 33 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp liên quan đến bí mật của Nhà nước hoặc vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2022) của TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.
|
Thực hiện Nghị quyết số 33 và kế hoạch xét xử trực tuyến của TAND tối cao, TAND tỉnh đã khảo sát điều kiện xét xử, lên phương án thực hiện phiên tòa hình sự trực tuyến. Trong điều kiện TAND tối cao chưa kịp đầu tư kinh phí xét xử trực tuyến, TAND 2 cấp tỉnh đã chủ động tận dụng một số thiết bị có sẵn và hợp đồng với đơn vị viễn thông thuê trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu; bố trí cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phối hợp chặt chẽ với tòa án và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ bảo vệ phiên tòa trực tuyến theo đúng Thông tư liên tịch số 05. Hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát xét hỏi bị cáo qua hệ thống camera kết nối trực tuyến giữa 2 điểm cầu; hình ảnh, âm thanh giữa 2 điểm cầu rõ ràng. Quá trình xét xử bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng.
Đến hết tháng 9, TAND 2 cấp tỉnh đã tổ chức 26 phiên tòa hình sự trực tuyến. Trong đó, TAND tỉnh thực hiện 6 phiên tòa, TAND cấp huyện (trừ Khánh Vĩnh, Khánh Sơn) thực hiện 20 phiên tòa. Ngoài ra, tính đến ngày 15-10, TAND tỉnh còn là điểm cầu thành phần kết nối với TAND cấp cao tại Đà Nẵng để thực hiện 11 phiên tòa hình sự phúc thẩm trực tuyến.
Bước đi cần thiết để xây dựng tòa án điện tử
Trong thời gian đầu, tòa án lựa chọn xét xử hình sự sơ thẩm trực tuyến các vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng; xét xử hình sự phúc thẩm trực tuyến những vụ mà bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng và xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; hoặc đương sự đề nghị tăng bồi thường. Thẩm phán Nguyễn Tuấn Long - Chánh tòa Hình sự (TAND tỉnh) nhìn nhận, các phiên tòa xét xử hình sự trực tuyến của TAND tỉnh vừa qua đã cho thấy thuận lợi. Lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp không phải dẫn giải bị cáo từ nơi giam, giữ đến trụ sở tòa án, tiết kiệm được thời gian, chi phí dẫn giải, bảo vệ phiên tòa. Đặc biệt, khi xảy ra tình huống dịch bệnh như đợt dịch Covid-19 vừa qua, việc xét xử trực tuyến giúp tòa án không phải hoãn phiên tòa; công tác phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo do giảm tiếp xúc trực tiếp tại phòng xử án...
Ông Nguyễn Anh - Chánh án TAND tỉnh cho biết, thời gian qua, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan. Tuy vậy, bước đầu áp dụng cũng gặp một số khó khăn. Do chưa nhận được kinh phí đầu tư phục vụ xét xử trực tuyến nên TAND 2 cấp tỉnh phải thuê đường truyền kết nối với các điểm cầu. Tuy nhiên, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là bước đi cần thiết để xây dựng tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, thời gian tới, TAND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các phiên tòa trực tuyến, mở rộng các điểm cầu tham gia. TAND tỉnh kiến nghị TAND tối cao sớm đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, đồng bộ; đồng thời đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí.
Theo Nghị quyết số 33, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm…
|
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa