TIN NHANH VỀ BÃO SỐ 4
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (bão Noru) và được dự báo khả năng ảnh hưởng trên diện rộng trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Huyện Vạn Ninh đang triển khai công tác ứng phó với bão số 4 trên địa bàn huyện trong đó tập trung đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống bão trên biển và các khu vực xung yếu có thể bị ảnh hưởng từ bão số 4.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 4 di chuyển rất nhanh, tiếp tục mạnh thêm trước khi tiến về các tỉnh miền Trung, gây mưa dông, gió giật mạnh. Đến 4 giờ ngày 27-9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16. Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển mỗi giờ từ 20-25km và sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta vào sáng ngày 28-9. Phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 trên diện rộng từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. Thực hiện theo Chỉ đạo của Công điện số 1 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, huyện Vạn Ninh đang triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 trong đó tập trung phòng, chống bão trên biển và các khu vực xung yếu. Được biết, toàn huyện hiện có khoảng 1.000 phương tiện tàu thuyền, 39.000 lồng nuôi trồng thủy sản với khoảng 2.700 lao động trên biển. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các Đồn Biên phòng triển khai công tác thông tin về tình hình, diễn biến của bão số 4 đến nhân dân, vận động các tàu thuyền, chủ bè nuôi trồng thủy sản tìm nơi tránh trú an toàn, tổ chức neo đậu phương tiện, lồng bè chắc chắn. Theo đó, các phương tiện tàu thuyền có công suất lớn di chuyển tránh trú bão tại khu vực Vũng Rô (Phú Yên) và khu neo đậu tránh trú tại phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa); các phương tiện tàu thuyền nhỏ neo đậu tại các cửa sông, cửa biển. Do ảnh hưởng của bão sẽ gây ra mưa lớn, gió mạnh nguy cơ gây ra sạt lở đất, đá, chia cắt do mưa lũ tại các khu vực xung yếu. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai có thể xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: “Đối với vị trí có nguy cơ sạt lở, huyện đã tổ chức chỉ đạo, triển khai sơ tán với một số vị trí có nguy cơ cao như khu vực dưới chân đèo Cả. Hiện nay, khu vực này còn 3 hộ, địa phương đã làm việc và xây dựng phương án di dời khi có tình huống xảy ra; theo đó, các hộ này khi cần di dời sẽ chuyển đến nhà người thân để tránh trú.”
Trong sáng 26-9, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại huyện Vạn Ninh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác vận hành hồ chứa nước Hoa Sơn và kiểm tra tại xã Đại Lãnh. Tại những nơi kiểm tra, ông Đinh Văn Thiệu đã nghe các đơn vị báo cáo tình hình ứng phó với bão; cụ thể, hồ chứa nước Hoa Sơn hiện đang thực hiện xả điều tiết với lưu lượng 9m3/s để sẵn sàng đón lũ về khi có mưa lớn; các phương tiện tàu thuyền của xã Đại Lãnh đã di chuyển đến nơi tránh trú tại khu vực Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) và khu tránh trú cầu Đại Lãnh. Đồng thời, Phó Chủ tịch đã có các chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 4. Ông Đinh Văn Thiệu nói: “Tỉnh Khánh Hòa được xác định là vùng ven của bão, tuy nhiên tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và bà con không chủ quan để đề phòng phương án bão có khả năng thay đổi hướng di chuyển. Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo thực hiện phòng chống bão trên biển trong đó tỉnh yêu cầu bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang hoạt động trên biển. Bắt đầu từ 16 giờ ngày 26-9, cấm các phương tiện tàu thuyền rời cảng để khai thác thủy sản và đến 14 giờ ngày 27-9 cấm biển tất cả phương tiện, kể cả phương tiện phục vụ nuôi trồng trên biển trong đó khuyến cáo, yêu cầu các phương tiện trên biển tìm nơi tránh trú an toàn để tránh làm thiệt hại cho người và tài sản.”
Theo đánh giá, bão số 4 (bão Noru) là cơn bão khá dị thường khi di chuyển thần tốc, tăng cấp rất nhanh, cường độ thời điểm mạnh nhất xấp xỉ một siêu bão. Trên Biển Đông, Noru được dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tương đương cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana năm 2009 và bão Molave năm 2020. Cùng với việc triển khai các phương án ứng phó của chính quyền các cấp, các ngành thì người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình mưa bão, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó tại nhà, phương tiện tàu thuyền và lồng bè, đặc biệt là không được chủ quan, lơ là, không để người ở lại trên bè, phương tiện tàu thuyền sau khi có lệnh cấm biển để tránh thiệt hại về người và tài sản do bão số 4 gây ra.
Thanh Hải