Những năm gần đây, trước sự bùng nổ của công nghệ và Internet đã làm chúng ta giảm dần thói quen đọc sách, một nét văn hóa độc đáo của nhân loại. Vì vậy, việc duy trì và phát triển văn hóa đọc là điều rất cần thiết và đang được xã hội hết sức quan tâm; trong đó, việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường đóng vai trò quan trọng để hướng đến phát triển bền vững văn hóa đọc trong thời gian tới.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4, tại trường Tiểu học Vạn Giã 1, Huyện Đoàn – Hội đồng Đội huyện Vạn Ninh vừa tổ chức Ngày hội Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc với sự tham gia của hơn em học sinh nhà trường. Trong khuôn khổ của ngày hội, các em học sinh được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: biểu diễn văn nghệ, được nghe giới thiệu những cuốn sách viết về văn hóa, di tích lịch sử của vùng đất Vạn Ninh và tỉnh Khánh Hòa, giao lưu trả lời các câu hỏi kiến thức về ngày Sách Việt Nam, tham gia hoạt động đọc sách tại mô hình “Thư viện thân thiện” của nhà trường. Cùng với đó, các đại biểu, giáo viên và học sinh trường Tiểu học Vạn Giã 1 đã quyên góp, ủng hộ 200 đầu sách cho thư viện nhà trường… Huyện Đoàn – Hội đồng Đội Vạn Ninh tặng 300 đầu Sách giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích cho trường Tiểu học Vạn Giã 1. Những năm qua, trường Tiểu học Vạn Giã 1 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác dạy và học. Có được kết quả đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trong đó có việc quan tâm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc tra cứu tài liệu, sách báo cho cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường; từ đó, xây dựng văn hóa đọc ngày càng phát triển trong trường học, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Thầy Nguyễn Hữu Chiến Cơ, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Vạn Giã 1 cho biết thêm: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động phong phú, giới thiệu các đầu sách hay phù hợp với môi trường học đường, tâm lý của lứa tuổi thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu tra cứu học tập của các em. Đặc biệt là xây dựng mô hình thư viện tạo không gian gần gũi, thu hút các em tham gia vào hoạt động đọc”.
Em Nguyễn Thành Nhân, học sinh lớp 5/2 cho biết: “Em thường xuống thư viện đọc sách vào những giờ nghỉ giữa buổi học để bổ sung kiến thức, các loại sách em thích gồm sách về văn hóa, lịch sử. Khi em đọc hết phần nào em sẽ đánh dấu để lần sau đọc cuốn sách đó.”
Như chúng ta đã biết, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự bùng nổ của Internet, việc phát triển văn hóa đọc gặp không ít khó khăn do nhiều yếu tố khách quan, thua kém về sự tiện lợi, tính kịp thời đã dẫn đến việc một bộ phận trong chúng ta dần xa rời với văn hóa đọc. Vì vậy, việc thực hiện duy trì và phát triển văn hóa là hết sức cần thiết nhằm gìn giữ nét văn hóa đẹp của dân tộc, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trí thức, bồi dưỡng kiến thức cho người Việt Nam. Thời gian qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, đơn vị và nhân dân trong đó có các trường học trên địa bàn huyện với việc chủ động mua sắm, đa dạng hóa các loại sách, báo, tạp chí nhằm phục vụ cho việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu của học sinh, giáo viên; xây dựng các mô hình thư viện thân thiện tạo không gian đọc gần gũi, thu hút được nhiều đối tượng học sinh tham gia. Anh Võ Đình Cháu, Bí thư Huyện Đoàn cho biết: “Nhiều năm qua, hoạt động văn hóa đọc trong các trường học có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức mới lạ. Đây là sự nỗ lực, cố gắng nhằm giúp các em được phát triển toàn diện”.
Thông qua sự nỗ lực của các trường trong phát triển văn hóa đọc, học sinh dần hình thành thói quen đọc sách, đó cũng là tín hiệu đáng mừng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, hướng đến phát triển bền vững văn hóa đọc trên địa bàn huyện Vạn Ninh trong thời gian tới.
Thanh Hải