Cách đây 75 năm, ngày 14-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân huyện Vạn Ninh đã đứng lên giành chính quyền từ tay quân Nhật, khởi đầu cho những ngày sục sôi khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám của tỉnh Khánh Hòa. Tinh thần của ngày khởi nghĩa luôn sáng mãi trong các thế hệ người con Vạn Ninh.
Những ngày mùa thu sục sôi
Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Vạn Ninh phát triển mạnh, ảnh hưởng của Việt Minh được mở rộng ra nhiều nơi, nhất là vùng đông dân cư quanh Vạn Giã như: Trung Dõng, Phú Hội, Quảng Hội, Tân Mỹ, Hiền Lương, Phú Cang… Sau ngày Nhật hất cẳng Pháp (9-3-1945), phong trào cách mạng phát triển sâu rộng, càng về sau khí thế càng mạnh và nhanh chóng chuyển thành cao trào tiền khởi nghĩa; các đội tự vệ bí mật được thành lập, nhất là ở tổng Phước Thiện, có nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, cơ sở, hỗ trợ quần chúng đấu tranh và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đang đến gần.
|
Đêm 9-8-1945, sau khi đi họp ở tỉnh về, đồng chí Hoàng Hữu Chấp và đồng chí Võ Phước Lý đã triệu tập cuộc họp khẩn tại nhà ông Huỳnh Văn Ái ở làng Vinh Huề (xã Vạn Phú) để phổ biến chủ trương, kế hoạch tiến hành những công tác cấp bách chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị yêu cầu, mỗi xã phải thành lập lực lượng tự vệ và khẩn trương giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện vũ khí, vận động giác ngộ khích lệ quân địch bỏ ngũ, nộp súng cho cách mạng…
Đêm 12-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Nha Trang. Trong cuộc họp, đại biểu Vạn Ninh đề nghị cho huyện được tiến hành khởi nghĩa sớm. Sáng 13-8-1945, đồng chí Hoàng Hữu Chấp triệu tập cuộc họp Việt Minh huyện để phổ biến chủ trương khởi nghĩa của tỉnh và vạch ra kế hoạch khởi nghĩa của huyện với quyết tâm giành chính quyền vào ngày 14-8-1945 và cơ quan lãnh đạo chuyển về đình Phú Cang.
Đúng 3 giờ sáng 14-8-1945, loa phát lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa bắt đầu, các tổ vũ trang của ta đã xông vào huyện đường ra lệnh cho Tri huyện Nguyễn Trọng Thuần giao ấn tín, giấy tờ, tài sản công của huyện cho cách mạng. Đồng thời, lực lượng quần chúng mang theo vũ khí hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Lúc này, tất cả lực lượng khởi nghĩa của các xã ven huyện lỵ đều hướng về huyện đường, hỗ trợ lực lượng vũ trang bên trong, quyết giành thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa.
Đúng 6 giờ sáng 14-8-1945, cờ đỏ sao vàng kéo lên đỉnh cột cờ trước sân huyện đường. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp đại diện Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai Nhật và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện. Đây trở thành Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Ninh.
Những bước chuyển mình mạnh mẽ
Đối với ông Trịnh Dậu - Trưởng ban Quản lý di tích đình Phú Cang, ký ức về ngày khởi nghĩa 14-8 được ông cảm nhận qua câu chuyện của mẹ và các thế hệ cha anh. Đặc biệt, trong thắng lợi của ngày khởi nghĩa 14-8 có sự đóng góp của người cậu ruột là ông Trần Tạo - người ra lệnh cho Tri huyện Nguyễn Trọng Thuần trao ấn tín, giấy tờ, tài sản công cho chính quyền cách mạng. Hàng năm, nhiều đoàn trường học, các cơ sở đoàn, khách thập phương ghé thăm, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của di tích, trong đó có ngày khởi nghĩa 14-8.
Không chỉ được nghe giới thiệu, khách còn được tận mắt nhìn thấy kỷ vật gắn với sự kiện này. Ngoài ra, những ký ức về ngày khởi nghĩa còn được gắn với những con đường như: Đường 14-8, đường Hoàng Hữu Chấp, đường Trần Tạo… như nhắc nhở với thế hệ mai sau về mốc son chói lọi, niềm tự hào của người dân Vạn Ninh.
Sau 75 năm, Vạn Ninh đã có sự thay da, đổi thịt mạnh mẽ, diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều thay đổi; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư với những tuyến đường đô thị như: Nguyễn Trãi, Đinh Tiên Hoàng…; những con đường làng được bê tông hóa, nhiều hạ tầng xã hội được xây dựng như: Bệnh viên Đa khoa Vạn Ninh, Phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông, các trường học. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Nhân dân địa phương đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Tôm thẻ chân trắng, cá bớp, dừa xiêm… Từ đó, góp phần đưa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Vạn Ninh ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 đô thị loại IV (thị trấn Vạn Giã) và 1 đô thị loại V (xã Đại Lãnh); tỷ lệ hộ nghèo còn 3,43%. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp, nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng trên địa bàn như: Hồ Hoa Sơn, hầm đường bộ đèo Cả, cảng Bắc Vân Phong…, góp phần quan trọng vào chuyển biến về kinh tế - xã hội của huyện...
Từ những kết quả đạt được, nhân dân và cán bộ huyện Vạn Ninh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến năm 2018. Đó là thành quả ghi nhận cho sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân huyện Vạn Ninh trong sự nghiệp đổi mới.
Trích: Báo điện tử Khánh Hòa