Khánh Hòa đang bước vào mùa khô, thời gian nắng nóng kéo dài từ tháng 3 đến cuối tháng 8. Năm nay, dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức rất cao. Trao đổi về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh, ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết:
|
- Khánh Hòa có khoảng 240.000ha rừng, trong đó có hơn 62.000ha rừng trồng, gần 500ha rừng thông, hơn 400ha rừng tự nhiên là căm xe thuần loại… Đây là những loại rừng thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô, nhất là mùa khô hạn được dự báo sẽ diễn ra gay gắt trong năm 2021. Trong khi đó, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh khá lớn, đặc biệt người dân trồng rừng xen lẫn với các diện tích mía; đồng bào dân tộc thiểu số canh tác nương rẫy gần các khu vực rừng trồng; tình trạng đốt than trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số khu vực; số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lấy mật ong, thu hái lâm sản trong rừng tăng cao… Đây là những tác nhân có thể gây cháy rừng trong mùa khô năm nay.
- Để chủ động PCCCR, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương như thế nào, thưa ông?
|
- Ngay từ đầu năm, công tác PCCCR được Chi cục Kiểm lâm khẩn trương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Quan điểm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời. Trong đó, công tác ứng trực nhằm phát hiện sớm đám cháy để kịp thời dập tắt, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn luôn được coi trọng. Công tác tuyên truyền, đặc biệt trong cộng đồng dân cư đang sinh hoạt, sản xuất gần rừng và ven rừng được làm thường xuyên, với nhiều hình thức.
Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh triển khai Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường ngăn chặn điểm nóng về phá rừng, cháy rừng; công điện khẩn của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về PCCCR đến tất cả các địa phương trong toàn tỉnh; chỉ đạo hạt trưởng các hạt kiểm lâm đôn đốc các chủ rừng, UBND các xã xây dựng phương án PCCCR theo quy định. Trong đó, phương án PCCCR do chủ rừng, UBND cấp xã lập theo quy định phải gửi đến cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở địa phương tham gia ý kiến. Cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR.
Về lực lượng chữa cháy, ngoài lực lượng tại chỗ như: Chủ rừng, tổ PCCCR địa phương, kiểm lâm đã ký kết hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh để khi xảy ra cháy rừng thì các đơn vị được phân công sẽ tham gia ứng cứu.
Trong cảnh báo cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm và các hạt kiểm lâm tổ chức trực cháy 24/24 giờ tại cơ quan để thu thập thông tin cảnh báo sớm các đám cháy trên địa bàn tỉnh do vệ tinh viễn thám của Trung ương cung cấp; đồng thời, tham khảo số liệu khí tượng thu thập được tại 3 trạm quan trắc khí tượng tự động do Trung ương lắp đặt tại thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh, huyện Cam Lâm để phục vụ việc cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng.
- Ông có lưu ý gì đối với các chủ rừng nhà nước về công tác PCCCR trong cao điểm mùa khô năm nay?
- Đối với các chủ rừng nhà nước gồm các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, ngoài xây dựng phương án PCCCR, các chủ rừng phải tích cực triển khai các nội dung của phương án như: Thi công ranh cản lửa; giảm vật liệu cháy bằng cách làm vệ sinh rừng; phân công lực lượng tuần tra, ứng trực các khu vực có nguy cơ cháy cao… Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các vụ cháy rừng trong những năm trước, công tác thông tin báo cáo diễn biến cháy rừng của các chủ rừng phải nhanh chóng, kịp thời; không để khi xảy ra cháy lan, cháy lớn mới báo cáo xin chi viện.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa