Mặc dù trong 2 tháng đầu năm 2012, cả nước giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông, song để kết quả đạt được mang tính bền vững, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn.
Theo Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo an toàn giao thông quý I/2012 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố diễn ra ngày 21/3, toàn quốc xảy ra 1.940 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.665 người, bị thương 1.481 người. So với cùng kỳ năm 2011 giảm 1.808 vụ, giảm 408 người chết và 2.322 người bị thương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG, cho rằng TNGT có giảm nhưng chưa bền vững. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để đảm bảo ATGT.
Tổ chức lại công tác quản lý hạ tầng giao thông
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG cho rằng, với sự phát triển của phương tiện cá nhân tăng bình quân 15%/năm, trong đó, số lượng ô tô tăng cao hơn xe máy, trong khi hạ tầng thay đổi chậm sẽ dẫn đến nguy cơ ùn tắc, khó có thể giảm bền vững, đơn cử như TP HCM trong khi số km đường tăng 0,3% thì phương tiện tăng tới 12%.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi diện tích mặt đường chưa được tăng lên, thì việc tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông cần được đặt ra, với các biện pháp như phân luồng, phân làn lòng đường, vỉa hè… Trên tinh thần ai vi phạm phải xử lý nghiêm, cơ sở nào vi phạm phải bị đình chỉ.
Tăng mạnh mức phạt người vi phạm
Liên quan đến các phương án thu phí phương tiện giao thông được Bộ Giao thông vận tải đưa ra thời gian qua, bên lề Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn giao thông quý I/2012 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một quyết định quan trọng liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân, tất cả những biện pháp đưa ra đều phục vụ nhân dân, lo cho tính mạng và tài sản của người dân
|
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ được tăng cường trang bị cả phương tiện và chế tài để thực thi nhiệm vụ.
Bộ cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép cấp chỉ huy CSGT làm việc trực tiếp được quyền xử phạt người vi phạm giao thông tới 2 triệu đồng để người dân không phải đến kho bạc.
Cũng theo ông Phạm Quý Ngọ, lực lượng CSGT sẽ thường xuyên được chấn chỉnh và chọn lọc, nâng cao trách nhiệm hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong công tác xử phạt
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG cho biết thêm, Ủy ban đang phối hợp các bộ ngành liên quan hoàn chỉnh chính sách pháp luật, trong đó tập trung sửa đổi Nghị định 34/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo hướng tăng mức xử phạt. Đặc biệt sẽ bổ sung mức xử phạt đối với hành vi gây nguy hiểm như lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, đồng thời đề nghị bổ sung xử phạt chủ phương tiện gây tai nạn, đặc biệt là các chủ phương tiện xe khách, xe tải.
Ủy ban đề nghị tịch thu bằng lái xe vĩnh viễn với những lái xe có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng
Bên cạnh đó Uỷ ban ATGTQG sẽ đề xuất Bộ Tài chính chỉnh sửa lại thông tư 89/2007 TT- BTC về sử dụng tiền thu phạt từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó với tỉnh có số tiền xử phạt cao có thể được sử dụng một phần bồi dưỡng cho lực lượng CSGT để họ yên tâm làm việc, và mua sắm trang thiết bị phục vụ công việc.
Trong công tác tuần tra xử lý vi phạm, Uỷ ban ATGTQG cũng đề nghị lực lượng CSGT và các lực lượng cảnh sát khác tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát, đặc biệt vào quãng thời gian từ 18h đến 24h hàng ngày, đây là thời điểm tai nạn xảy ra lại chiếm tới 35%.
Ủy ban ATGTQG cũng đề nghị các địa phương rà soát tất cả các "điểm đen" về TNGT để có biện pháp xử lý.
Nguồn: chinhphu.vn