Nói đến Võ Khoa Châu, nhà thơ – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đang sinh sống tại thị trấn Vạn Giã thì hầu như ai cũng biết. Nhắc đến ông, mọi người nhớ đến ngay người có mái tóc trắng bạc phơ, trong phong thái bình dị của người đứng tuổi, ngày ngày đọc sách và đi đó đây để sưu tầm tư liệu, am hiểu về văn hóa vùng đất Vạn Ninh, từ đó có nhiều công trình nghiên cứu viết về vùng đất xứ Vạn - nơi mảnh đất xứ Vạn cũng đã giúp ông an cư và sinh sống, làm việc đến tận ngày hôm nay.
Sinh ra ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nhưng phần lớn cuộc đời của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Khoa Châu lại gắn với xứ Vạn Ninh. Từng có thời gian tham gia sinh hoạt văn thơ ở Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Vạn Ninh trước kia nên ông có điều kiện làm thơ đăng báo, cùng với các nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh sưu tầm tư liệu, cho ra mắt nhiều công trình viết về vùng đất xứ Vạn. Trò chuyện cùng Võ Khoa Châu, ông bộc bạch chia sẻ về tuổi thơ, ký ức về nơi sinh ra của mình. Với ít vốn liếng văn học mà ông học được từ thời còn trai trẻ, đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, ông Võ Khoa Châu bắt đầu làm thơ và có thơ đăng trên báo Khánh Hòa và Tạp chí Nha Trang. Thơ ông chính là những gì đã chiêm nghiệm và chắt lọc từ cuộc sống, thêm vào đó là những thổn thức nhớ quê lúc nào cũng như chực tuôn chảy, thăng hoa. Những câu thơ dung dị, mang đậm cái tình của người xa xứ dường như phảng phất chất nhạc trong ấy để rồi một đồng nghiệp của ông tại Trung tâm văn hóa thể thao Vạn Ninh đồng cảm cho phổ nhạc và trở thành những bài hát chính cho mỗi buổi sinh hoạt thơ – văn. Tiếp theo những bài thơ đăng báo, ông tiếp tục sưu tầm, ghi chép, khảo cứu về những nhân vật lịch sử, địa danh nổi tiếng ở huyện Vạn Ninh. Khoảng từ năm 2008 đến năm 2010, ông Võ Khoa Châu cho ra mắt cuốn “Vạn Ninh đất và người”, đặc biệt cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Trung cho ra mắt tập sách “Hồn quê xứ Vạn” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội). Tập sách gồm 3 phần: Cơm trước mặt (giới thiệu đất đai màu mỡ, trù phú, núi rừng nhiều tài nguyên quý hiếm của Vạn Ninh), Cá sau lưng (đề cập đến sự giàu có của biển, các vùng đảo đẹp, ẩn chứa tiềm năng to lớn về kinh tế biển), Dấu xưa (giới thiệu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và nền văn hóa đa dạng, phong phú lâu đời của vùng đất Vạn Ninh). chia sẻ về những công trình đã viết, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Khoa Châu cho biết: “Từ lúc viết đến nay…………5 đến 10 năm.”
Trong câu chuyện kể những công trình viết về Vạn Ninh, ở ông đôi mắt ánh lên niềm tự hào, duy chỉ có đôi chút nặng tai mà người viết cần hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Võ Khoa Châu là vậy, bao năm cứ nhẩn nha nhặt nhạnh để giữ lại những nét văn hóa của một vùng đất. Hỏi chuyện vì sao lại đắm đuối với văn hóa dân gian đến vậy, ông cho biết mình biết ơn mảnh đất này. Bởi không sinh ra ở xứ Vạn, nhưng dòng đời đưa đẩy ông đến mảnh đất này, đậu lại ở đây để rồi bây giờ có một gia đình ấm êm hòa thuận, con cái học hành và có nghề nghiệp ổn định. Vậy là quá đủ cho một người làm văn hóa, văn nghệ tài tử như ông.
Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà, và cũng là hội viên văn nghệ dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu Võ Khoa Châu đã ngấp nghé tuổi gần 80 nhưng ngày ngày ông vẫn cần mẫn với con chữ. Ở độ tuổi xế chiều của đời người, niềm vui đôi khi thật giản đơn - ấy là lúc bạn bè cùng nhau tề tựu hàn huyên đôi câu thơ, dăm bài hát. Ở đất Vạn Giã này, cái tên Võ Khoa Châu không còn xa lạ gì, bởi thế bạn bè sinh hoạt văn thơ cùng ông hẳn cũng rất nhiều. Ông Lê Văn Ngọc, nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện cho biết: Thì công việc biên khảo của anh Châu rất tích cự…….mai một đi.
Mỗi vùng đất thường có những người viết sử làng, người sưu tầm văn hóa dân gian để giữ lại những nét đẹp văn hóa, giữ lại hồn cốt của vùng đất đó. Nếu như Ninh Hòa có nhà nghiên cứu văn hoa dân gian Võ Triều Dương, thì Vạn Ninh có Võ Khoa Châu. Chính họ với những đóng góp thầm lặng đang giữ những nét văn hóa của mảnh đất mình gắn bó. Tuy đã sang tuổi 78 nhưng ông Võ Khoa Châu vẫn còn nhiều dự định, nhiều chuyến đi điền dã – người con Vạn Giã ấy, người đã âm thầm giữ gìn văn hóa cho quê hương, người đã miệt mài đi và cống hiến bất kể tháng ngày để giữ cho mai sau một Vạn Ninh yên bình./.
HOÀI DUY