Năm 2022, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện Vạn Ninh và đạt được nhiều kết quả khả quan. Những kết quả đạt được đã từng bước phát huy các tiềm năng, lợi thế của sản phẩm địa phương để phát triển các sản phẩm đặc trưng có giá trị cao về kinh tế và văn hóa góp phần nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa của huyện.
Năm 2022 là năm thứ 4 Chương trình OCOP được huyện Vạn Ninh triển khai trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình OCOP với các mục tiêu hướng đến như: Khuyến khích các sản phẩm có nguồn nguyên liệu rõ ràng, ổn định tham gia OCOP, nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt ngưỡng 3 sao cấp huyện và tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND huyện đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm OCOP, các chủ thể tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức nhằm nắm bắt các nội dung về triển khai Chương trình OCOP; tổ chức tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, người dân để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về Chương trình OCOP… Theo đó, chương trình năm 2022 đã có 18 sản phẩm của 13 chủ thể đăng ký tham gia. Trong quá trình triển khai chu trình OCOP, đội ngũ cán bộ, công chức làm OCOP cùng đơn vị tư vấn đã tiếp tục tiến hành rà soát, vận động, hỗ trợ các chủ thể thực hiện các bước theo quy định như: Nhận ý tưởng sản phẩm, phương án kinh doanh, triển khai phương án kinh doanh trong đó các chủ thể đã tiếp nhận các nội dung hỗ trợ để hoàn thiện, phát triển sản phẩm như: Thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, mã vạch, tem điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc; kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm….
Qua đó, UBND huyện đã tổ chức đánh giá cấp huyện đối với 11 sản phẩm của 9 chủ thể và đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đối với 10 sản phẩm của 8 chủ thể. Đồng thời thực hiện công tác hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trước khi tham gia đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh như: Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ kiểm nghiệm sản phẩm; hỗ trợ xây dựng câu chuyện sản phẩm; hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... với kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng. Kết quả đánh giá, phân hạng cấp tỉnh, UBND tỉnh đã công nhận 9 sản phẩm của huyện đạt OCOP 3 sao, gồm: Tỏi sẻ Vạn Hưng (Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng), Dừa xiêm Xuân Sơn (Tổ hợp tác dừa xiêm Xuân Sơn), Hàu sữa VINABS (Công ty Cổ phần thuỷ sản sinh học VINA), Yến sào Fly Sure (Công ty TNHH yến sào Fly), Chả cá hấp Diễm (Hộ kinh doanh Nguyễn Trang Thùy Diễm, xã Vạn Thắng), Chả cá hấp Hải Xíu và chả cá chiên Hải Xíu (Hộ kinh doanh Lê Thị Thanh Hoà, xã Vạn Thắng), Nhang Trầm hương không tăm và Nhang trầm hương có tăm (Hộ kinh doanh Hương Trầm, xã Vạn Thắng). Như vậy, qua 4 năm triển khai, huyện Vạn Ninh đã có 13 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao thuộc 09 chủ thể. Nhìn chung, các sản phẩm OCOP đều mang nét đặc trưng, gắn với văn hóa, sản vật của vùng đất Vạn Ninh và hiện đang có chỗ đứng nhất định trên thi trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, huyện Vạn Ninh quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm với nhiều hình thức: tham gia hoạt động quảng bá sản phẩm, kết nối thương mại trực tuyến… để giúp chủ thể có thêm điều kiện tiếp cận các đối tượng người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Từ những tiền đề đạt được trong 4 năm qua, trong năm 2023, huyện Vạn Ninh tập trung triển khai Chương trình OCOP với các mục tiêu cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại cấp huyện, xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP; tiếp tục vận động, hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đăng ký tham gia từ năm 2019 - 2022 không được đánh giá cao (1-2 sao) và các sản phẩm đạt (3 sao) dự thi đánh giá nâng hạng sản phẩm năm 2023; nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện ít nhất 05 sản phẩm đạt 3 sao; ít nhất 05 sản phẩm đạt ngưỡng 4 sao cấp huyện và tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh... Đối tượng tham gia chương trình OCOP năm 2023 là những sản phẩm hàng hoá và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, theo các nhóm ngành như sau: Nhóm thực phẩm, gồm: Thực phẩm tươi sống, gia vị; nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống không cồn; nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí, gồm nhóm: Thủ công mỹ nghệ gia dụng và dự kiến có 22 sản phẩm của 11 chủ thể tham gia trong đó có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng đất Vạn Ninh như: nhang trầm, nước yến sào, dừa xiêm, nước mắm cá cơm... Từ đó, địa phương đã và đang triển khai các công tác gắn với chu trình thực hiện Chương trình OCOP với thời gian triển khai từ nay đến hết năm 2023, như: Hoàn thiện hệ thống tổ chức OCOP, tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến cộng đồng, khảo sát, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình...
Có thể nói việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP góp phần vào việc phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; từng bước hình thành, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực của huyện để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn huyện Vạn Ninh ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Thanh Hải