6 tháng đầu năm, Khánh Hòa là 1 trong 12 địa phương trên cả nước có chỉ số tăng trưởng thấp. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các giải pháp đầu tư công, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, kích cầu du lịch…, việc tăng cường thu hút đầu tư là việc làm cấp thiết hiện nay.
Thu hút đầu tư không như kỳ vọng
Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khắc phục khó khăn sau dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các sở, ngành, nhà đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư và làm việc với các tập đoàn đầu tư có quy mô để sớm tìm kiếm các dự án mang tính động lực. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư không khả quan. Trong tháng 5 và tháng 6, toàn tỉnh không thu hút được dự án đầu tư ngoài ngân sách mới. Tính cả 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ thu hút được 3 dự án với tổng mức đầu tư hơn 45,4 tỷ đồng. Đây là con số rất thấp so với mọi năm. Cũng trong khoảng thời gian này, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 786 đơn vị, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ giảm về số lượng DN đăng ký mới, số vốn đăng ký chỉ đạt khoảng 4.252 tỷ đồng, giảm 27,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động lên tới gần 900 DN, tăng 102% so với cùng kỳ.
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới thu hút đầu tư không như kỳ vọng và số DN tạm dừng hoạt động tăng cao là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều nhà đầu tư phải tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai dự án. Cũng do ảnh hưởng dịch bệnh, một số nhà đầu tư không thể thực hiện các chuyến khảo sát dự án tại Khánh Hòa như kế hoạch.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, việc chậm trễ trong cấp phép các dự án đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến thu hút đầu tư bị ảnh hưởng. Nhất là sau kết quả thanh tra các dự án ngoài ngân sách, UBND tỉnh nhận thấy, cần phải tiến hành rà soát thủ tục pháp lý đối với các dự án được cấp phép đầu tư trước đây, nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc rà soát này đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định nên ảnh hưởng đến các dự án liên quan. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, một phần do tác động từ biến đổi của nền kinh tế thế giới.
Cần cải thiện môi trường đầu tư
Trong các cuộc họp gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh luôn nhấn mạnh, thu hút đầu tư là mục tiêu hàng đầu để thúc đẩy kinh tế - xã hội lấy lại đà tăng trưởng. Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh và xây dựng hồ sơ chi tiết các dự án kêu gọi đầu tư. Trong đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong, các KCN của tỉnh với các dự án công nghiệp lớn, quan trọng có tính động lực như: Khu phức hợp công nghiệp Ninh Hải, Khu phát triển công nghiệp Ninh Tịnh, KCN Vạn Thắng, KCN Nam Cam Ranh, CCN Dốc Đá Trắng...
Ông Phan Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh cho biết: “Để tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư, vấn đề môi trường đầu tư sẽ được cải thiện theo hướng thông thoáng, thủ tục hành chính trong lựa chọn nhà đầu tư đơn giản, nhanh chóng. Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu tư như: Hạ tầng giao thông, điện, nước, hệ thống cấp và thoát nước; sắp xếp mặt bằng, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư….”. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân; hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Các sở, ngành đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt đối với các dự án gắn với giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng... để tạo động lực và niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, để nhanh chóng khôi phục kinh tế, việc tăng cường thu hút đầu tư là hết sức cần thiết. Trong những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai các kế hoạch tái khởi động và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp. Trong đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính cho DN. “UBND tỉnh đang xem xét tận dụng tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, thu hút khách du lịch trong nước trong thời kỳ dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, tập trung thu hút các dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực điện mặt trời, điện khí, kho khí hóa lỏng, kinh doanh hạ tầng KCN. Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép xây dựng Đề án cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong trong tình hình mới với một số cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong nói chung và KKT Vân Phong nói riêng”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Trích: Báo điện tử Khánh Hòa