Tuy bị xử lý nặng nhưng đến nay,
tình trạng khai thác thủy sản bằng các dụng cụ hủy diệt vẫn diễn ra ở
một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Thời gian tới, ngành thủy sản sẽ
tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý để giảm thiểu các vi
phạm trong khai thác thủy sản trên các vùng biển tỉnh quản lý.
Vẫn còn vi phạm
Theo phản ánh của cử tri nhiều địa phương ven biển, thời gian qua, tuy
các cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm trong
hoạt động nghề cấm, vùng cấm khi khai thác thủy sản tại các vùng biển
trong tỉnh, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều phương tiện bất chấp, sử dụng
các dụng cụ mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản. Hiện nay, trên các
đầm Nha Phu, Thủy Triều hay vịnh Vân Phong, Cam Ranh, tình trạng sử
dụng lờ dây, xung điện để khai thác thủy sản vẫn diễn ra. Đó là chưa kể
tình trạng tàu cá công suất lớn, hoạt động nghề cấm ở các vùng biển ven
bờ gây xung đột với người nuôi trồng thủy sản hoặc ngư dân hoạt động các
nghề khai thác hợp pháp khác.
|
Ngư dân Nguyễn Văn Phai (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) cho biết: Cứ
vào mùa khai thác ruốc, các tàu công suất lớn lại tìm đến vùng biển vịnh
Vân Phong để hành nghề giã cào. Các tàu này theo quy định phải hoạt
động ở vùng lộng hoặc vùng xa bờ nhưng họ lại hoạt động ở vùng cấm, sử
dụng lưới giã cào để cào ruốc ven bờ. Không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy
sản ven bờ, các tàu giã cào còn cào luôn ngư cụ của ngư dân hoạt động
nghề lưới ven bờ. Đối với tàu cào sò, mỗi đêm kiếm được vài triệu đồng,
tàu giã cào nếu trúng cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng/chuyến. Do thu
nhập cao, nên dù biết làm nghề cấm nhưng họ vẫn lén lút hoạt động.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, thời gian qua, tuy tình trạng vi phạm đã
giảm nhưng vẫn còn một số đối tượng vì lợi nhuận nên vẫn hoạt động nghề
cấm, vùng cấm. Trong khi đó, để bắt quả tang các đối tượng vi phạm rất
khó khăn, thậm chí họ còn cắt cử người theo dõi hoạt động của lực lượng
chức năng. Các tàu vi phạm thường hoạt động lén lút về đêm, khi thấy lực
lượng chức năng thì lập tức cắt lưới, bỏ chạy. Trường hợp bị lập biên
bản vi phạm thì đối tượng không hợp tác, cố tình làm chết máy, không kéo
lưới lên, không chấp hành việc đưa tàu vào bờ, gây cản trở lực lượng
tuần tra để tạo điều kiện cho đối tượng khác bỏ chạy. Thậm chí, có nhiều
đối tượng chống đối quyết liệt, có trường hợp lập biên bản mời lên làm
việc nhưng họ không lên…
Tăng cường xử lý
Năm 2019, qua tuần tra, kiểm
tra trên biển, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt 98 phương tiện
vi phạm với tổng số tiền gần 225 triệu đồng; thu giữ 90 bộ lồng cào sò,
lưới giã cào, 24 súng điện. 7 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng tổ
chức 334 đợt tuần tra trên các vùng biển của tỉnh; kiểm tra 430 tàu cá;
đã tiến hành xử phạt 32 tàu cá vi phạm với tổng số tiền gần 155 triệu
đồng, thu giữ 22 tang vật như: Giã cào tuýp, giã cào sò, súng điện… |
Hiện nay, ở các địa phương như: Nha
Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh, Cam Lâm, ngành thủy sản đã được bố
trí 1 tàu thanh tra và 1 ca nô để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát
theo kế hoạch thường kỳ và đột xuất nhằm hạn chế các hành vi vi phạm về
bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản và quản lý tàu cá. Sự hiện
diện của lực lượng chức năng, với các đợt tuần tra kiểm soát được triển
khai liên tục đã giúp giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng cấm,
nghề cấm. Ngoài ra, qua theo dõi của các trạm thủy sản ở các địa phương
cho thấy, thực hiện Nghị định 42 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với mức phạt lên đến hàng chục
triệu đồng đối với các hành vi hoạt động nghề cấm, vùng cấm cũng đã góp
phần răn đe các đối tượng vi phạm; nhiều ngư dân ở Vạn Ninh, Cam Ranh,
Ninh Hòa… đã từ bỏ các nghề cấm.
Những năm gần đây, thanh tra thủy sản đã phối hợp với các lực lượng như:
Bộ đội Biên phòng, cảnh sát giao thông đường thủy, các địa phương ven
biển tiến hành hàng trăm đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý nhiều phương
tiện vi phạm trong hoạt động nghề cấm, vùng cấm. Bên cạnh tăng cường
tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển của tỉnh, các cơ quan chức năng
còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về tác hại của
việc khai thác theo kiểu tận diệt và tăng cường tuần tra kiểm soát, xử
lý vi phạm. Đến nay, tại các vùng biển trước đây vốn khá nóng về nạn
khai thác thủy sản tận diệt như: Đầm Nha Phu, vịnh Cam Ranh, đầm Thủy
Triều, vịnh Vân Phong... tình trạng này đã giảm hẳn. Theo nhận định của
lực lượng thanh tra thủy sản, hiện nay, các nghề cấm như: Cào sò, giã
cào, kích điện giảm đến 80 - 85% so với năm 2017; riêng khai thác thủy
sản bằng chất độc, chất nổ từ cuối năm 2017 đến nay chưa phát hiện
trường hợp nào.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để
giảm thiểu các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, thời gian tới,
chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân; đồng
thời sẽ tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển tỉnh
quản lý; xử lý triệt để các vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản,
nhất là các vùng cấm, nghề cấm. Để tăng cường năng lực thực thi pháp
luật trên biển, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh sớm thành lập và kiện toàn
lực lượng kiểm ngư địa phương”.