Trong khi chất thải nhựa, ni lông đang gây ô nhiễm môi trường sống thì công tác tái chế nhựa gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu và còn nhiều bất cập.
Thiếu rác thải nhựa để tái chế
Ông Đặng Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phụ liệu may Nha Trang cho biết, công ty là đơn vị duy nhất tái chế nhựa phục vụ công nghiệp phụ liệu may tại Khánh Hòa. Nhà máy tái chế có công nghệ hiện đại, công suất 5 tấn/ngày. Tuy môi trường thải ra rất nhiều rác, trong đó có rác nhựa và túi ni lông nhưng không vì thế mà nguồn nguyên liệu nhựa dồi dào. Đơn vị thường xuyên thiếu nguyên liệu hoạt động, phải nhập “rác nhựa” từ nước ngoài với chi phí cao.
Theo ông Trang, nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế thu gom rác thải nhựa hiện nay chưa hiệu quả, phụ thuộc vào nhiều tầng, nấc. Người nhặt ve chai, đồ nhựa gom bán cho các vựa nhỏ, vựa nhỏ phân loại bán cho vựa lớn, vựa lớn mới bán cho các nhà máy tái chế. Rác nhựa ni lông hiện nay là thành phần lớn thứ hai của rác thải sinh hoạt sau rác hữu cơ. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất trong việc thu gom là để lẫn lộn rác hữu cơ, hôi thối, ô nhiễm do chưa được phân loại từ nguồn gây khó khăn cho việc xử lý tại các nhà máy.
Một đại lý thu mua phế liệu tại xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang cho hay, trước đây vựa có triển khai thu gom rác ni lông, song hiện nay có nhiều loại nhựa khác có giá trị hơn nên không thu mua nữa. Mặt khác, người thu gom nhựa, túi ni lông không còn mặn mà với việc này do bán ít tiền, việc thu gom mất nhiều thời gian. Ngoài ra, các cơ sở tái chế nhựa hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh chủ yếu thu mua các loại chai nhựa cao cấp, an toàn như: HDPE, LDPE, PP, PET.
Còn bất cập
Cơ chế phân loại rác từ nguồn hiện nay còn nhiều bất cập. Khánh Hòa trước đây đã từng lập đề án phân loại rác sinh hoạt từ nguồn tại TP. Cam Ranh nhằm nâng cao ý thức người dân, tạo thói quen trong phân loại rác song không thành công bởi việc phân loại rác còn nhiêu khê. Người dân cho biết có thời kỳ thu gom phân loại để riêng nhưng xe rác cũng dồn chung về bãi rác để xử lý nên họ không còn mặn mà với công việc này nữa.
Công nghệ tái chế nhựa cũng không đơn giản. Sau khi phân loại nguyên liệu phải rửa, tách chất bẩn và làm sạch nên cần lượng nước tiêu thụ rất lớn. Các cơ sở tái chế nhựa thủ công không đáp ứng nổi nên dễ gây ô nhiễm môi trường. Tái chế nhựa còn đòi hỏi gia nhiệt để xử lý thành dạng hạt hay vảy là nguyên liệu sử dụng cho các nhà máy làm ra các sản phẩm phục vụ tiêu dùng. Song, hiện nay, công nghệ gia nhiệt tại các cơ sở tái chế thủ công không có hệ thống xử lý khói, bụi nên dễ gây ô nhiễm.
Ông Vũ Ngọc Huân - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang cho biết, do công nghệ lạc hậu, đốt nhựa gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nên hiện nay thành phố không còn cơ sở tái chế nhựa nào hoạt động, nếu có thì Thanh tra môi trường xử lý rất nghiêm.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, Khánh Hòa là tỉnh nhỏ, công nghệ tái chế ít phát triển và chưa thể cạnh tranh được với các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Đó là chưa nói tới đặc thù cạnh tranh nguồn nguyên liệu của ngành nhựa. Vì thế, việc khuyến khích phát triển công nghiệp nhựa nói chung, tái chế nhựa nói riêng chưa phải là chương trình trọng điểm. Tuy nhiên, nếu có hình thành một doanh nghiệp tái chế nhựa tiên tiến thì tỉnh vẫn có cơ chế hỗ trợ để phát triển.
Ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xử lý chất thải nhựa, ni lông hiện nay còn nhiều bất cập. Nhà nước cần các giải pháp bứt phá như: quy định trách nhiệm tái chế của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thu gom chất thải nhựa và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa. Làm được điều này sẽ tạo được sức bật mới cho ngành nhựa nói chung, tái chế nhựa nói riêng.
Tăng cường tuyên truyền về tác hại của nhựa, ni lông
Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Đây là cơ hội để mỗi người, bằng nhiều hành động chung tay chống lại ô nhiễm chất thải nhựa trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm, con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm lại trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, cốc nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng xã hội.
Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 22-1-2018 về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhựa và túi ni lông. Ngoài ra, trong các đề án, nhiệm vụ môi trường và các quy định bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, khu dân cư, công viên công cộng… đều có nội dung bố trí khu vực tập kết các loại chất thải có khả năng tái chế và không tái chế để thuận tiện cho việc thu gom, xử lý.
Bên cạnh đó, Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về kiểm soát ô nhiễm do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt và thông tin về các hoạt động thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Hàng năm, các địa phương thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông đối với môi trường. Việc tuyên truyền được lồng ghép vào các ngày: “Môi trường thế giới 5-6”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, các hội thi về bảo vệ môi trường... Ngoài ra, cơ quan chức năng khuyến khích mọi người tham gia thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy; phổ biến nội dung tác hại của chất thải túi ni lông nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải túi ni lông...
Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa