Lâu nay, việc phát triển nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè quá mức đã khiến chất lượng môi trường biển tại các vùng nuôi như vịnh Vân Phong giảm sút, kéo theo đó là tình trạng tôm, cá chết gây thiệt hại cho nông dân. Chính vì thế việc nâng cao tuyên truyền cho các hộ nuôi theo đúng vùng nuôi quy hoạch, đảm bảo mật độ nuôi và hạn chế xả rác thải ra Biển, bảo vệ môi trường Biển đang được Ngành kinh tế huyện và các xã tập trung thực hiện.
Tại vịnh Vân Phong, hiện nay có khoảng 8.500 ô, lồng nuôi trồng thủy sản, trong đó hơn 90% là ô lồng nuôi tôm hùm. Không khó để bắt gặp hình ảnh các túi ni lông, rác thải sinh hoạt nổi dập dềnh trên mặt biển. Là hộ nuôi trồng thủy sản nhiều năm, ông Trịnh Văn Tèo (xã Vạn Thạnh) cho biết: “Do các hộ nuôi san sát nhau, mạnh ai nấy nuôi, không theo quy hoạch, mật độ nuôi nên tình trạng nguồn nước xảy ra ô nhiễm. Một số biểu hiện khi đối tượng nuôi bị nhiễm bệnh như đỏ thân, viêm mang, chân bị sì mủ, đối tượng thường nhiễm bệnh là con tôm hùm.” Trong bão số 12, hộ ông Trịnh Văn Tèo là một trong những hộ bị thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, sau đó gia đình ông đã nỗ lực khắc phục và thả nuôi lại khoảng 5.000 con. Hiện 30 ô nuôi tôm hùm của ông trong giai đoạn 10 đến 12 tháng tuổi. Đối với vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi, ông Tèo cho biết thêm: “các hộ nuôi cần chung tay bảo vệ môi trường nuôi trên biển, hạn chế việc xả thải rác sinh hoạt, tránh cho tôm ăn dư thừa lượng thức ăn…Có như vậy con tôm nuôi mới ít dịch bệnh.”
Đại diện Phòng Kinh tế huyện cho biết, từ đầu năm đến nay, qua giám sát dịch bệnh và môi trường vùng nuôi, đã ghi nhận nhiều trường hợp tôm hùm nuôi trong các lồng bè bị chết do bệnh sữa, đỏ thân. Hầu hết các vùng nuôi tôm hùm lồng tại Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã đều xuất hiện tình trạng tôm hùm chết. Trong đó, nặng nhất là khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) với tỷ lệ tôm chết hơn 20%. Ông Đặng Tri Thông, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh xác nhận: “Lượng chất thải từ việc nuôi trồng thủy sản thải xuống biển khá lớn, tích tụ qua nhiều năm đã làm cho môi trường biển ở khu vực này trở nên ô nhiễm. Do vậy, Phòng Kinh tế huyện thường xuyên phối hợp cùng với chính quyền các xã, thị trấn, Hội nông dân tuyên truyền người nuôi đảm bảo mật độ ô, lồng nuôi, hạn chế việc xả thải rác sinh hoạt ra Biển”.
Hiện nay, toàn huyện đã thả nuôi 524 hecta ao đìa nuôi trồng thủy sản như nuôi cá mú, nuôi ốc hương, nuôi tôm thẻ chân trắng và hơn 8.500 ô lồng nuôi tôm hùm. Theo như quy hoạch của tỉnh, vùng biển Vạn Ninh có 6 vị trí nuôi, cụ thể nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển được quy hoạch tại vùng nuôi thôn Xuân Tự (xã Vạn Hưng), diện tích khoảng 120ha với 2.000 lồng bè truyền thống; vùng nuôi lạch Cổ Cò (xã Vạn Thạnh) diện tích 100 - 120ha, mật độ cho phép 2.000 lồng, kết hợp nuôi lồng truyền thống và lồng công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Bãi Nặm - Bãi Sau thuộc thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh) diện tích khoảng 100ha, cho phép nuôi 1.500 lồng truyền thống và 50 lồng công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò diện tích 50 - 60ha, bố trí khoảng 150 lồng nuôi công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Nam hòn Ông diện tích khoảng 100ha, bố trí khoảng 1.500 lồng nuôi truyền thống. Vùng nuôi Hòn Vung (thị trấn Vạn Giã) có diện tích khoảng 50ha, bố trí khoảng 1.000 lồng nuôi truyền thống.
Để giúp các hộ nuôi nuôi đúng vùng quy hoạch và kê khai lồng nuôi, số lượng thả nuôi. Các ban ngành, các xã thị trấn trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền, vận động các chủ nuôi lồng bè cần thực hiện vùng nuôi đúng theo quy hoạch, để đảm bảo thuận lợi trong việc quản lý và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về sau nếu có rủi ro xảy ra thiên tai bão lụt./.
HOÀI DUY