Việc chủ động dành nguồn vốn ủy thác cho vay các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được xem như lực kéo quan trọng, hữu hiệu và trực diện, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách không bị bỏ lại phía sau vì Covid-19.
Gần 2 tháng từ khi công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), số lượng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh ngừng hoạt động tăng mạnh, kéo theo nhiều người lao động bị mất việc, làm tăng áp lực lớn đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là an sinh xã hội.
Mặc dù Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chủ động lường đón từ đầu mùa dịch, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục mọi khó khăn, khôi phục sản xuất, và gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng dành cho người có công, hộ nghèo, lao động mất việc, hộ kinh doanh khó khăn vì Covid-19 của Chính phủ đang được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc vừa chống dịch, đồng thời vừa chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc, hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cần có sự chung tay của cả chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc chủ động dành nguồn vốn ủy thác cho vay các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được xem như lực kéo quan trọng, hữu hiệu và trực diện, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách không bị bỏ lại phía sau vì Covid-19.
Chủ động cùng người dân vượt khó
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, ngay từ cuối tháng 1-2020 NHCSXH đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona với tinh thần chủ động có phương án phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng. Đồng thời sát sao nắm bắt những ảnh hưởng, thiệt hại do dịch Covid-19 đối với sản xuất kinh doanh của các khách hàng vay vốn để có biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn như hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay bổ sung khôi phục sản xuất kinh doanh.
Riêng đối với các xã bị khoanh vùng, cách ly để phòng chống dịch, NHCSXH ngay lập tức áp dụng biện pháp tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi cho đến khi có thể tổ chức hoạt động giao dịch bình thường. NHCSXH cũng tạm ngừng phiên giao dịch tại xã đối với các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến của dịch như: Hà Nội, Bến Tre, Bình Thuận và Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến nông sản, thủy sản mất giá, lệnh cấm thông quan hàng hóa khiến sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, gây thiệt hại cho người dân (như sầu riêng ở Gia Lai, Đắk Lắk, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long,...; tôm hùm ở Khánh Hòa, Phú Yên,...; thanh Long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,...; dưa hấu ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum,...)… NHCSXH đã chủ động các biện pháp hỗ trợ khách hàng. Tính đến cuối tháng 3-2020, NHCSXH đã gia hạn nợ cho 5.781 món vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 606 món với số tiền gốc hơn 14,4 tỷ đồng. Cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh 1.757 món vay với số tiền trên 51,6 tỷ đồng.
NHCSXH đã chủ động báo cáo Hội đồng quản trị NHCSXH để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 01-4-2020 đến hết năm 2020 hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng cho biết: Bên cạnh việc thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH dự kiến tiếp tục cho gia hạn nợ đối với các khách hàng có nợ đến hạn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch từ tháng 3 đến hết tháng 6.
Tính đến ngày 30-3-2020, NHCSXH đang quản lý hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, có tổng dư nợ đạt 211.006 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 4.201 tỷ đồng), số khách hàng còn dư nợ là trên 6,5 triệu khách hàng.
Cần sự chung tay của chính quyền địa phương
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết: Theo kế hoạch năm 2020, dự kiến đơn vị thu nợ khoảng 712 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ dự kiến thu được khoảng 300 tỷ đồng, nợ chưa thể thu hồi là 412 tỷ đồng.
Trong khi đó, rà soát của NHCSXH TP Hà Nội cùng chính quyền địa phương cho thấy nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 là chăn nuôi, buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, y tế, vận tải với dư nợ 2.384 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ của chi nhánh.
Chỉ riêng đối 3 tượng cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên tới 30.400 khách hàng với dư nợ 1.168 tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội cho biết trong số này có 25.000 khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh với dự kiến mức cho vay 40 triệu đồng-hộ. Như vậy, nhu cầu vốn vay cần bổ sung là 1.000 tỷ đồng.
Hay như tỉnh Quảng Ninh, thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết Covid-19 đã khiến 292 doanh nghiệp, 8.600 lao động bị ảnh hưởng dẫn tới mất việc làm, giảm thời gian làm việc, việc làm không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm thu nhập cũng như đời sống của hộ gia đình người lao động. Đặc biệt, hiện có 3.912 người lao động phải nghỉ việc không lương, có nhu cầu vay vốn, tạo việc làm phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập.
Qua rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm tại địa phương, người lao động và hộ gia đình có nhu cầu vay vốn khoảng 112 tỷ đồng, trong đó NHCSXH cấp huyện, thành phố đã nhận 370 hồ sơ có tổng nhu cầu vay là 30 tỷ đồng.
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 6-4-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “tinh thần chống dịch nhưng cũng phải chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc”. Nhấn mạnh trong khó khăn nhưng cũng có những cơ hội, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp và người dân cần đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động, tập trung phát triển các ngành, dịch vụ mới... sản xuất, xuất khẩu hàng hóa y tế dự phòng với các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ... Trong bối cảnh ấy, nguồn vốn hỗ trợ người lao động, người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các cơ hội này càng trở lên cấp thiết.
Nhiều tỉnh, thành cũng đã nhận thức được trọng trách này, và để những đối tượng yếu thế không bị lùi lại phía sau vì Covid-19 cũng như thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ giao phó, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Như Hà Nội đã ủy thác sang chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội năm 2020 (đợt 1) là 650 tỷ đồng để đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do Covid-19 năm 2020.
Trước đó, tháng 3-2020, TP Hồ Chí Minh đã chuyển 760 tỷ đồng ngân sách địa phương qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách của thành phố cũng như những người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Dự kiến nguồn vốn này sẽ được giải ngân cho 48.016 hộ có nhu cầu vay bổ sung và vay mới đến hết tháng 5-2020. Giám đốc NHCSXH TP Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên cho biết, chi nhánh sẽ tiếp tục đề nghị Thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm sau khi đơn vị giải ngân hết để hỗ trợ kịp thời cho người lao động và đối tượng chính sách.
Nằm trong kế hoạch, Thành phố Đà Nẵng và các quận, huyện cũng đã chuyển gần 194 tỷ đồng trong tổng số 260 tỷ đồng năm 2020 từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay khoảng 6.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do Covid-19.
Cũng ngay trong tháng 3-2020, UBND tỉnh Bình Dương cùng các huyện, thị xã, thành phố đã trích vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh và cấp huyện với tổng số tiền 170 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiêu chí của địa phương trên địa bàn, nhằm giải quyết việc làm trong năm 2020, nâng nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh đạt 1.514 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn quốc.
Những nỗ lực của các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương bước đầu hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Ngày 10-4, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và các nội dung quan trọng khác trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Điều mà người dân hy vọng nhất chính là các địa phương tiếp tục chia sẻ gánh nặng, chung tay cùng Chính phủ và Ngành ngân hàng dành nhiều quan tâm hơn nữa tới việc chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH để người nghèo và đối tượng chính sách, đặc biệt là người lao động, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có nhu cầu, đủ điều kiện có cơ hội tiếp cận vay vốn khôi phục sản xuất, tạo việc làm.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khẳng định: NHCSXH sẽ nhanh chóng triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chung cũng như những hỗ trợ riêng có của Chính phủ và địa phương tới đây. Bên cạnh đó, NHCSXH sẽ tư vấn các bộ, ban ngành cùng các địa phương thực hiện hiệu quả nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng hòa thành khối sức mạnh đoàn kết tương trợ trong cả hệ thống chính trị, xã hội, giúp người nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Xem bản tin gốc của Báo Chính phủ
Trích Trang thông tin điện tử Khánh Hòa
a