|
Tin nổi bật
Hơn 3 ngày qua, do sự cố sạt lở ở hầm đường sắt Bãi Gió (tại khu vực đèo Cả, thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh), hàng nghìn hành khách đi tàu phải thực hiện trung chuyển qua lại giữa ga Giã (huyện Vạn Ninh) và ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) để tiếp tục hành trình. Mặc dù lực lượng chức năng đã huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc nỗ lực đào đất, khắc phục sự cố nhưng đến nay vẫn chưa thể thông hầm.
|
Hầm đường sắt Bãi Gió bị sạt lở, không thể lưu thông từ trưa 12-4 đến nay. |
Hơn 200m3 đất đá vùi lấp hầm
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, khoảng 13 giờ ngày 12-4, mái hầm đường sắt Bãi Gió bất ngờ bị sạt kéo theo khoảng 180m3 đất, đá bịt kín hầm với chiều dài khoảng 10m. Rất may thời điểm xảy ra sạt lở không có tàu khách đi qua. Tại hiện trường, đất, đá ngổn ngang ở khu vực lòng hầm, đường ray. Ngay sau đó, các đơn vị liên quan đã huy động nhiều kỹ sư, công nhân cùng máy móc nỗ lực thông hầm. Đến hơn 4 giờ sáng 13-4, khi đơn vị thi công đang nỗ lực đào đất, đá vận chuyển ra ngoài thì có khoảng 50m3 đất, đá tiếp tục sạt lở xuống. Đất, đá rơi xuống làm đổ hệ thống giàn sắt gia cố khiến các công nhân phải làm lại từ đầu.
|
Công nhân đang hàn khung sắt gia cố mái hầm |
Có mặt tại hiện trường ngày 13-4, phóng viên ghi nhận ngoài các đơn vị thi công đào, xúc đất, đá sạt lở, vận chuyển ra ngoài, đơn vị thi công khác tập trung làm mái kết cấu khung sắt sẵn từ ga Đại Lãnh (cách hiện trường 500m) để gia cố mái hầm. Lòng hầm thông đến đâu, các đơn vị sẽ chở các mái đỡ này vào hầm đến đó, rồi dùng hệ thống kích chống đỡ, tạo lực cho vỏ hầm. Trực tiếp chỉ huy thi công tại hầm Bãi Gió, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, hầm đường sắt Bãi Gió có khoảng 20m bị đất, đá vùi lấp. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục đưa đất, đá ra ngoài. Tại điểm sạt lở, trên mái hầm xuất hiện nhiều vết nứt, đất, đá theo đó sạt xuống. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đường hầm chật, thiếu ánh sáng, các công nhân bố trí vị trí thi công phù hợp và đảm bảo an toàn trước nguy cơ có thể sạt lở hầm xảy ra. Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã huy động hai bộ phận thi công từ hai đầu cửa hầm vào giữa. Do hầm nhỏ, khối lượng thi công lớn nên công tác khắc phục sự cố không nhanh như dự kiến.
|
Công nhân vận chuyển khung sắt vào để gia cố mái hầm. |
Đánh giá về nguyên nhân sạt lở, ông Vinh cho rằng, hầm Bãi Gió được xây dựng năm 1930, khánh thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bê tông, dài hơn 400m, cao 5m, rộng 4m. Do đi vào hoạt động đã lâu nên tầng đất, đá đã bị phong hóa, rơi tự do làm hỏng mái hầm. Đơn vị thi công đã làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm để chống sạt lở, phun bê tông lên mái hầm. Ngày 14-4, đơn vị thi công đã triển khai phương án xác định tọa độ để khoan từ trên núi xuống hầm đường sắt để phun bê tông từ đỉnh hầm xuống, sau đó chờ đông cứng rồi tiếp tục khoan gia cố để đưa khung sắt vào trong đường hầm đoạn sạt lở. Hiện nay, vẫn chưa xác định được thời gian thông hầm.
Đảm bảo hành trình cho hành khách
Do sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, tất cả các chuyến tàu đi từ Hà Nội vào phải dừng ở ga Tuy Hòa, các chuyến tàu đi từ TP. Hồ Chí Minh ra phải dừng ở ga Giã. Từ trưa 12-4 đến nay, Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang phải huy động nhiều ô tô để trung chuyển hành khách qua lại giữa 2 ga. Ông Nguyễn Công Thiên - Trưởng tàu SE12, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin của ban quản lý, kế hoạch thi công ở hiện trường để động viên hành khách trên tàu, có phương án hỗ trợ di chuyển hành lý cho hành khách tiếp tục hành trình. Đơn vị cũng hỗ trợ tất cả bữa cơm sáng và trưa, nước uống cho hành khách yên tâm hành trình”.
|
Hành khách xuống ga Giã để trung chuyển ra ga Tuy Hòa. |
|
Lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn xe di chuyển, đảm bảo an toàn cho hầm đường sắt Bãi Gió. |
Theo ông Trần Minh Duy - Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng, Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, từ trưa 12-4 đến nay, ngành Đường sắt đã hỗ trợ trung chuyển cho hơn 6.500 hành khách với 159 lượt xe từ ga Tuy Hòa đến ga Giã và ngược lại. Hiện nay, có hàng chục đoàn tàu khách phải dừng lại tại các ga dọc tuyến gần khu vực sạt lở. Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang vẫn tiếp tục huy động ô tô trung chuyển hành khách qua lại giữa 2 ga này. Bên cạnh đảm bảo hành trình cho hành khách, lực lượng Cảnh sát giao thông 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũng túc trực 24/24 giờ tại 2 điểm chốt dưới chân đèo Cả và trên đèo Cả để phân luồng, điều tiết giao thông, không cho các xe trọng tải lớn đi lên đèo Cả nhằm hạn chế rung lắc, giảm áp lực cho vỏ hầm (do hầm nằm dưới Quốc lộ 1), đề phòng sụt lún có thể xảy ra.
Ngày 13-4, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 37 gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Theo công điện, hầm Bãi Gió được xây dựng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh từ thời Pháp với tuổi thọ gần 100 năm. Việc có nguy cơ xảy ra sạt lở hầm đã được nhận định, dự báo, đánh giá từ trước. Để đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc huy động tối đa nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến trong thời gian sớm nhất; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công, cũng như trong quá trình khắc phục sự cố. Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình thực hiện chuyển tải qua đoạn ách tắc do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa
Các tin khác
|
Đang online:
915
Số lượt truy cập:
9478769
|