Qua giám sát việc thực hiện Chương trình
nước sạch nông thôn (NSNT), Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận
thấy, thời gian qua, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch không ngừng
được nâng cao, nhiều vùng khó khăn về nước đã được giải quyết, đã huy
động nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Những kết quả đạt được có ý
nghĩa rất lớn đối với đời sống của người dân, đặc biệt là vùng nông
thôn. Tuy nhiên, trong hệ thống các công trình NSNT còn nhiều công trình
cấp nước nhỏ lẻ, khả năng cung cấp nước còn hạn chế; một số công trình
cấp nước chỉ có nước cấp vào mùa mưa, vào mùa khô thì thiếu nước hoặc
nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, flour...
Ông Phan Thông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa:
Từ năm 1999 đến nay, tổng kinh phí thực hiện Chương trình NSNT gần 127
tỷ đồng. Về hiệu quả các công trình sau đầu tư: Những công trình cấp
nước do UBND các xã quản lý phần lớn đã xuống cấp, nhiều công trình hiện
đã hư hỏng toàn bộ, không còn khả năng cấp nước. Có công trình đầu tư
với số vốn rất lớn nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng như công trình
nước tự chảy Suối Diên (Vạn Hưng, Vạn Ninh) đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng giao
cho UBND xã Vạn Hưng quản lý nhưng đến nay chỉ có 3 đơn vị được sử dụng,
trong khi người dân phải mua nước giá cao. Những công trình do doanh
nghiệp (DN) quản lý, khai thác trên địa bàn tỉnh phần lớn đều phát huy
được hiệu quả nhưng các DN hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc về triển
khai dự án đầu tư, nguồn vốn, giá bán nước... Các hệ thống cấp nước tập
trung do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý đều
chưa hoạt động hết công suất thiết kế, số hộ sử dụng không cao trong
khi nhu cầu sử dụng nước sạch từ các hệ thống này rất lớn.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015, 95% người dân nông thôn được sử dụng
nước sinh hoạt hợp vệ sinh, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh
cần tập trung chỉ đạo lựa chọn mô hình quản lý phù hợp; giao việc quản
lý các công trình nước cho các đơn vị, cá nhân có khả năng, ưu tiên cho
các DN hoạt động kinh doanh dịch vụ cấp nước. Đối với các dự án DN không
nhận đầu tư thì giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông
thôn đảm nhận. Ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, duy trì và phát
triển hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn trên địa bàn
tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút xã hội
hóa trong việc đầu tư các công trình NSNT. Ban hành giá nước hợp lý; đảm
bảo có kinh phí duy tu sửa chữa và phụ cấp cho những người được giao
quản lý đối với các công trình nhỏ. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ về
giá nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia
đình chính sách,... Chú trọng công tác khảo sát, thiết kế trong việc đầu
tư mới các công trình NSNT để công trình phát huy hiệu quả. Sớm thực
hiện việc hỗ trợ cấp bù lãi suất cho vay đối với các DN tham gia hoạt
động dịch vụ cấp nước trong việc đầu tư, mở rộng hệ thống cung cấp
NSNT...
Nguồn: Báo Điện tử Khánh Hòa.