Xã Vạn Bình được biết đến là xã thuần nông, hơn 90% dân số sinh sống sản xuất nông nghiệp, do vậy thu nhập trang trải đời sống chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi và trồng trọt. Những năm qua, cấp ủy chính quyền xã Vạn Bình chỉ đạo các hội đoàn thể tuyên truyền hội viên chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ những chủ trương của các cấp, Hội phụ nữ xã Vạn Bình chỉ đạo chi hội phụ nữ tại các thôn tìm tòi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để sản xuất. Qua các mô hình nổi bật của phụ nữ xã Vạn Bình, hiện nay có chi hội phụ nữ thôn Bình Trung 2 trồng cây hoa cúc vàng, bước đầu có hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định.
Theo chị Hồ Thị Thương, tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa cúc vàng của chi hội phụ nữ thôn Bình Trung 2, xã Vạn Bình cho biết, cây hoa cúc vàng nhập giống từ Đà Lạt, trồng quanh năm, gối vụ trên chân đất cát, đất vườn nhà. Cứ 1 tháng xuống giống 1 đến 2 lần, sau 3 tháng chăm sóc cây cho hoa và thu hoạch xuất bán các ngày rằm, lễ tết. Bình quân 1 cây hoa cúc vàng bán ngày lễ, tết có giá khoảng 10.000 đồng/ 1 cây; ngày bình thường 1 cây hoa cúc vàng giá khoảng 5.000 đến 7.000 đồng. Nhờ trồng hoa cúc gối vụ quanh năm và có hoa thu hoạch xuất bán thường xuyên nên thu nhập mang lại ổn định cho các hội viên phụ nữ tham gia tổ hợp tác. Nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa ở thôn Bình Trung 2, xã Vạn Bình có diện tích đất vườn bỏ hoang khoảng 5 sào đất, trước khi trồng hoa cúc vàng chị trồng rau, đậu phục vụ đời sống gia đình. Từ lúc được chi hội phụ nữ vận động tham gia tổ hợp tác phụ nữ trồng hoa cúc, chị đã tham gia tổ được 5 năm nay, hiệu quả từ trồng hoa cúc mang lại lợi nhuận khá, giúp chị trang trải ổn định cho gia đình. “Nhờ xuống giống hoa cúc mỗi tháng từ 1-2 lần, nên khoảng ba tháng hoa cúc cho thu hoạch xuất bán các dịp lễ, rằm trong năm, đời sống cũng ổn định hơn trước khi làm một, hai sào lúa”
Gần đó là hộ chị Phạm Thị Mỹ, thôn Bình Trung 2 cũng trồng hơn 7 sào cây hoa cúc. Có mặt tại vườn hoa nhà chị lúc chị và nhân công đang tỉa nhánh, lặt nụ chuẩn bị cho đợt ra hoa mới. Nghỉ tay trò chuyện chỉ về đám hoa cúc vàng đang nở rực rỡ, tầm hơn 1 thiên cây giống khi trồng (1.000 cây hoa cúc). Chị Mỹ hồ hởi phấn khởi nói “1 tháng trồng khoảng 2 thiên cây giống tức 2.000 cây hoa cúc vàng, khi thu hoạch hoa, giá thương lái đến tận vườn mua đổ đồng (mua xô) hoa cúc dịp lễ, tết giá 1 cây 10.000 – 15.000 đồng, còn ngày thường có giá khoảng 6.000 – 7.000 đến 8.000 đồng/ 1 cây, trừ chi phí cây giống, phân bón, công lao động, mỗi sào hoa lợi nhuận 5 triệu đồng.”
Cũng theo chị Mỹ, đặc tính cây hoa cúc vàng nhập từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về dễ trồng, tuy nhiên cây con 7-10 ngày tuổi cần chăm sóc kỹ cho phát triển lá, thân cứng cáp. Đến công đoạn khó nhất là tỉa nụ sao cho cây hoa cúc nở các hoa đều, to đẹp.“Lúc trước trồng, các hộ dùng phân NPK tưới nhưng hiệu quả cho hoa ít đạt, được tham gia các lớp tập huấn của phụ nữ xã, huyện tổ chức nên chị em trong tổ chia sẻ và hỗ trợ công lao động với nhau trong quá trình trồng, chăm sóc, đặc biệt hiện nay chị em trong tổ trồng hoa chỉ bón phân hữu cơ nên chất lượng hoa cúc ra nụ đạt và đẹp hơn”. Chị Thương, tổ trưởng tổ hợp tác phụ nữ Bình Trung 2 trồng hoa cúc cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh đánh giá mô hình trồng hoa cúc vàng của chị em phụ nữ thôn Bình Trung 2 là mô hình điểm của Hội. Những năm qua Tổ hợp tác trồng hoa cúc chi hội phụ nữ Bình Trung 2 luôn duy trì nghề trồng hoa cúc, hỗ trợ nhau trong sản xuất và chăm sóc; đồng thời lúc hoa cúc chuẩn bị ra nụ và đến kỳ thu hoạch, tổ hợp tác đã giải quyết tốt công lao động thời vụ cho khoảng 20 hội viên phụ nữ trong thôn. “Hướng sắp đến Ban thường vụ Hội phụ nữ xã Vạn Bình sẽ khuyến khích tổ hợp tác trồng hoa cúc chi hội phụ nữ Bình Trung 2 mở rộng diện tích sản xuất cũng như vận động toàn chị em phụ nữ trong thôn trồng hoa cúc; góp phần giải quyết tốt công việc làm thường xuyên cho hội viên”. Bà Thu nói.
Bà Nguyễn Hồng Khánh Quỳnh, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Vạn Ninh cho biết: Mô hình trồng hoa cúc vàng của phụ nữ thôn Bình Trung 2 và mô hình chả ram tôm đất cô tư (ở xã Vạn Thắng) là hai mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của phụ nữ huyện Vạn Ninh tham gia ngày hội Phụ nữ Khánh Hòa khởi nghiệp năm 2019 được Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao./.
HOÀI DUY