Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định phải triển khai quyết liệt, có hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm để tạo động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của cả tỉnh.
Chú trọng giải ngân các nguồn vốn
Kết thúc năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 97,1%; đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, UBND tỉnh xác định, năm 2022 kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, đầu tư công vẫn phải đóng vai trò quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển chung. Chính vì vậy, việc giải ngân đầu tư công cần được tiến hành khẩn trương ở tất cả các cấp ngay từ đầu năm. Để đạt được nhiệm vụ này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
|
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các chủ đầu tư, các địa phương cần xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án.
Năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, do đó đầu tư công tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của cả năm và những năm tiếp theo. “Bên cạnh phấn đấu thực hiện đạt 100% vốn thực tế HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh còn chú trọng hơn nữa đến tỷ lệ giải ngân vốn do Chính phủ giao. Đồng thời, cũng sẽ tập trung để giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vốn cấp huyện quản lý” - ông Lê Hữu Hoàng cho biết.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong năm. Nếu đơn vị nào không hoàn thành phải có hình thức xử lý theo đúng chỉ đạo trước đó của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng tháng phải tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện giải ngân và kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án; trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, quyết định chủ trương đầu tư dự án phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công. “Đối với các dự án sử dụng vốn Trung ương không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh quyết định kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2022. Sở kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sớm ban hành văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án này” - ông Nhựt kiến nghị.
|
Ông Lê Hữu Hoàng khẳng định, để thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thời gian tới, cần tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ dự án. UBND tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; yêu cầu thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, không để dồn thanh, quyết toán vào cuối năm.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án giá đất. Cùng với đó, tăng cường tổ chức tuyên truyền, giải thích cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gửi Hội đồng thẩm định giá đất. Sở Tài chính thẩm định kịp thời các hồ sơ, sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể.
_________________________________
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho Khánh Hòa hơn 3.569 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 2.625 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu gần 543,7 tỷ đồng; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hơn 127,6 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi 272,6 tỷ đồng.
|
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa