Hôm nay (21-6) cả nước sôi nổi với các hoạt động kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Những lẵng hoa tươi thắm, những lời chúc mừng, động viên. Cũng là một nghề trong xã hội, nhưng nghề báo với đặc trưng riêng, được xã hội tôn trọng và… có phần e dè.
Tôn trọng bởi nhà báo là người làm công việc đưa thông tin một cách chuyên nghiệp, kịp thời, chính xác, nhiều chiều đến với độc giả. Bởi báo chí bám sát đời sống xã hội, kịp thời biểu dương, lan tỏa những cách làm hay, những mô hình tốt. Bởi báo chí đã đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chung của Đảng…
Báo chí còn được tôn trọng bởi đã có nhiều tiếng nói giúp doanh nghiệp nêu những khó khăn, bất cập, gỡ những nút thắt cơ chế cản trở sự phát triển. Nhà báo được tôn trọng bởi có những bài viết lay động đến mọi con tim, bao cảnh đời nghèo khó được cả xã hội chung tay giúp đỡ… Với những người làm báo chân chính, tất cả đều cẩn trọng từng con chữ, từng khuôn hình. Bởi họ biết, đằng sau mỗi bài viết là số phận một con người, một doanh nghiệp.
Xã hội có tâm lý e dè nhà báo, bởi có nhiều người trong nghề, hoặc quá ảo tưởng vào quyền lực của nghề báo, hoặc mưu đồ tư lợi từ những thông tin có được. Trong thời buổi thông tin lan tỏa cực nhanh như hiện nay, một thông tin sai đủ làm điêu đứng một doanh nghiệp. Chuyện người dân hoặc doanh nghiệp bị đe dọa: “Không biết điều thì cho bài cho sập tiệm luôn” là có thật. Số lượng nhà báo thật và nhà báo giả trong những năm qua bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản đâu có hiếm. Bạn hãy thử gõ từ khóa “nhà báo bị bắt” để kiểm chứng, chỉ 0,55 giây sẽ cho ta 188 triệu kết quả (!)
Trong đời cầm bút của mình, tôi đã từng chứng kiến một người mẹ dẫn người con hơn 30 tuổi, nước mắt lưng tròng lên tòa soạn năn nỉ gỡ một cái tin đăng cách đây hơn 10 năm. Hồi đó, người con trẻ người non dạ đã dại dột ăn trộm chiếc xe máy cũ, bị phạt tù 2 năm. Phóng viên đã vô tư đưa tin kèm hình bị cáo trước tòa. Khi ra tù, anh phấn đấu trở thành người tốt, nhưng khi xin vào một công ty nước ngoài, bộ phận nhân sự kiểm tra thông tin trên mạng, thấy tin, ảnh vậy nên dứt khoát từ chối…
Trong những người bạn của tôi, rất nhiều người là quản lý doanh nghiệp. Điều họ sợ nhất là khi có cú điện thoại tự xưng là nhà báo đăng ký làm việc về một sản phẩm vô tình bị lỗi. Không khéo xử lý, rất có thể công lao gầy dựng thương hiệu hàng chục năm của doanh nghiệp bị tan tành bởi một bài báo (!)
Trong ngày cả xã hội tôn vinh nghề báo, người làm báo càng thêm ý thức hơn nữa về trách nhiệm của mình. Luôn nhớ rằng xã hội tôn vinh ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam chứ không có ngày báo chí chung chung. Nghề nào trong xã hội, không kể sang hèn cũng đều đòi hỏi phải có chữ tâm. Nghề báo cũng vậy, mỗi khi đặt bút chuẩn bị viết điều gì xin hãy nhớ, đằng sau mỗi bài báo là số phận của một con người, một doanh nghiệp.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa