Thời gian qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có nhiều nỗ lực phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN), nổi bật là ở lĩnh vực thủy sản, xây dựng sở hữu trí tuệ… Huyện đang đề xuất với tỉnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, phát triển làng nghề truyền thống, ứng dụng VietGAP, hỗ trợ đổi mới sáng tạo…
Áp dụng nhiều kết quả đề tài nghiên cứu
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, một trong những công tác nổi bật của huyện là triển khai phổ biến, ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu của các cấp vào sản xuất, đời sống. Từ năm 2021 đến nay, huyện phối hợp với các đơn vị của Sở KH-CN triển khai nhiều kết quả đề tài KH-CN như: Nhà sấy năng lượng sấy nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; hoàn thiện quy trình canh tác, bảo quản dừa xiêm xanh; tập huấn nhân rộng mô hình nuôi biển cá chim vây vàng; các mô hình giống lúa, ớt, đậu phộng mới… thu hút hàng trăm lượt nông dân tham gia. Nhiệm vụ KH-CN “Tiếp nhận kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm sá sùng trong ao đất tại Vạn Ninh” đã được tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục KH-CN cấp cơ sở năm 2022.
|
Quá trình triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt kết quả khả quan. Cụ thể như: Phương thức nuôi trồng chuyển dịch mạnh mẽ sang hướng thâm canh, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, xử lý nước đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, ứng dụng công nghệ semi - biofloc hay công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả cao; vận động nông dân thực hành VietGAP, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, tăng cường hỗ trợ, liên kết, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình nuôi công nghiệp an toàn hiệu quả. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ nuôi lồng nhựa HDPE thay thế lồng gỗ truyền thống, giúp ngư dân an tâm sản xuất khi có gió bão…
Ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, Tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng xã Vạn Thọ với 19 hộ, diện tích khoảng 10ha mới đây đã được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản công nhận VietGAP. Toàn bộ diện tích ao nuôi của các thành viên trong tổ hợp tác chuyển từ ao đất sang lót bạt; thay thế việc sử dụng hóa chất hay kháng sinh bằng chế phẩm sinh học bảo đảm an toàn thực phẩm; năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 40 tấn… Hay một trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Vạn Hưng liên kết với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xây dựng mô hình tầm soát dịch bệnh, ứng dụng công nghệ xử lý nguồn nước, áp dụng kỹ thuật mới nuôi thâm canh, đạt năng suất, chất lượng, doanh thu 18-20 tỷ đồng/năm.
Đề xuất nhiều nội dung
Theo ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, công tác KH-CN của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân vẫn còn e ngại khi tham gia các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật; tư tưởng sản xuất còn theo lối truyền thống nên việc áp dụng các mô hình mới chưa rộng rãi. Việc đầu tư KH-CN phụ thuộc vào vốn ngân sách nên mức đầu tư còn thấp, chưa tạo đột phá trong chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật; sự phối hợp triển khai ứng dụng đề tài cấp tỉnh với địa phương chưa chặt chẽ… Ngoài ra, hoạt động chuyển giao tiến bộ KH-CN còn chậm, chưa đạt yêu cầu; công tác đề xuất xây dựng đề tài KH-CN còn hạn chế; một số địa phương chưa chủ động phối hợp, đề xuất mô hình có khả năng ứng dụng tại địa phương…
Vạn Ninh đang đề xuất cơ quan chức năng của tỉnh nhiều nội dung liên quan như: Quan tâm triển khai các đề xuất đặt hàng về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Dừa xiêm Tuần Lễ (xã Vạn Thọ), tỏi sẻ, chả cá Vạn Ninh, trầm hương Vạn Thắng… và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực khác của địa phương; hỗ trợ, xây dựng và mở rộng mô hình VietGAP đối với các sản phẩm nông, thủy sản; hỗ trợ triển khai ứng dụng kết quả đề tài cấp tỉnh. Huyện cũng đề xuất các nhiệm vụ phát triển du lịch, làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản của địa phương; hỗ trợ địa phương giải quyết khó khăn về đầu ra sản phẩm nông nghiệp từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN, các giải pháp hỗ trợ đáp ứng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác tham gia sàn giao dịch điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn để huyện tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo thanh niên…
Ngoài ra, huyện đề nghị các viện, trường đóng chân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm từ sản xuất giống đến bao tiêu sản phẩm đặc thù và các sản phẩm khác trên địa bàn huyện; chuyển đổi sản xuất trong nuôi biển; xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản lý…
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa