Sáng ngày 04/4/2015, UBND xã Vạn Phước đã long trọng tổ chức lễ đón nhận và rước bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Tân Phước.
Đình Tân Phước xây dựng từ 02 thế kỷ trước (Thế kỷ thứ 19 - năm 1843) trong quá trình khẩn khai vùng đất mới, dân cư từ các tỉnh phía Bắc: Quảng Nam, Quảng Ngãi…đứng đầu là ông Trần Diễn giúp việc cho ông Võ Trấn, tập hợp nhân dân đến khai hoang, lập ấp. Sau một thời gian định cư, cuộc sống dần yên ổn, dân cư ngày càng đông đúc, họ cùng nhau góp công, góp sức dựng lên ngôi Đình để có nơi thờ thần linh, tổ chức hội họp, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng, Đình Tân Phước được hình thành và có tên gọi từ đó.
Đình Tân Phước tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, địa thế đẹp, không gian thoáng mát. Diện tích 400m2, mặt Đình tiền hướng Đông-Nam. Cấu trúc công trình có 06 hạng mục chính: Nghi Môn; Án Phong; Sân Đình; Tiền Tế; Chính Điện; Nhà Tây. Mười tám đồ vật (Sắc phong, lọng, tán, trống, chiêng… và một số đồ vật khác) bài trí trong Đình để phục vụ thờ cúng, thể hiện tính uy nghiêm, trang trọng chốn linh thiêng.
Công trình còn bao gồm các phi vật thể khác như: Các câu đối, ngôn ngữ, bút pháp trong từng câu đối, trong văn tế… biểu đạt cách nghĩ, tinh thần, ý chí của các bậc tiền nhân.
Hiện nay Đình Tân Phước còn lưu giữ 06 sắc phong cho 02 vị thần là “Chúa sắc Thần Nữ” và “Bạch Mã Thái Giám”. Sắc phong có niên đại xóm nhất vào đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) và niên đại muộn nhất vào đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924).
Đình Tân Phước từ khi lập ra được biết đến là nơi thờ phụng; nơi hội họp; nơi định kế mưu sinh của con cháu, của nhân dân Vạn Phước qua nhiều thế hệ. Đình ngày nay còn được biết đến không chỉ ở giá trị kiến trúc nghệ thuật mà là nơi mang nét văn hóa đặc sắc, chứa yếu tố lớn về mặt tâm linh.
Hàng năm, vào ngày 16-17 tháng hai (âm lịch), nhân dân trong làng tổ chức lễ hội cúng Xuân Đình với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính các vị tôn thần và cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Nhân dân về dự lễ rất đông và ngày càng nhiều thể hiện tình đoàn kết, yêu thương tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng thể hiện truyền thống tốt đẹp của nhân dân địa phương.
Lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên tại Đình, các hoạt động văn hóa trong lễ hội diễn ra rất đa dạng và phong phú, gồm cả phần Lễ và phần Hội.
Đình Tân Phước được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho việc trùng tu và khôi phục các lễ hội tại di tích nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đáp ứng kịp thời nguyện vọng và nhu cầu về tâm linh của các tầng lớp nhân dân địa phương.
Căn cứ giá trị hiện có của di tích, ngày 07 tháng 11 năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định số 2985/QĐ-UBND, xếp hạng di tích đình Tân Phước là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thắng- PCT.UBND huyện: Đã dặn dò cán bộ, đảng viên và nhân dân Vạn Phước tự hào về di tích Đình Làng, hãy nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, góp công góp sức để chăm lo bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích Đình Tân Phước đúng với quy định của Nhà nước và phù hợp với ý chí nguyện vọng của cha ông./.
Thực hiện: Thanh Dược