Nhiều năm qua, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã mạnh dạn khởi sự ý tưởng kinh doanh, biến những mô hình làm kinh tế từ trong suy nghĩ trở thành hiện thực; từ đó góp phần phát triển ngành nghề cho bản thân, nâng cao thu nhập cho chính gia đình mình. Quan trọng hơn, qua ý tưởng khởi nghiệp đã từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay.
Đến thăm cơ sở sản xuất chả ram của hội viên phụ nữ Nguyễn Thị Thanh Định (thuộc thôn Tân Dân 1, xã Vạn Thắng) trước mắt chúng tôi là không gian sạch sẽ, thoáng đãng với diện tích gần 70 mét vuông được bà Nguyển Thị Thanh Định khởi nghiệp làm mô hình cuốn chả ram. Theo bà Định để biến ý tưởng thành hiện thực, ngay từ những ngày đầu bà bắt đầu học hỏi từ sách báo, mạng internet về nghề cuốn chả ram. Nhận thấy nơi ở thuận lợi về nguồn đánh bắt thủy hản sản như tôm đất, cùng lận lưng sẵn có nghề tráng bánh tráng của bản thân, bà nảy ý tưởng thu gom, mua tôm đất từ người đi biển, hộ mua tôm xiết nhỏ lẻ, bắt tay thực hiện ý tưởng làm cuốn chả ram khoảng hơn 5 năm nay. Ban đầu lượng khách hàng chưa biết nhiều về cuốn chả ram nên bình quân 1 ngày cơ sở làm khoảng 5 ký tôm, về sau nhiều khách hàng biết đến nhiều hơn, vì thế sản phẩm tôm cuốn chả ram làm ra không đủ cung, do vậy cơ sở phải tăng số lượng làm gấp 10 lần so với lúc trước. Bình quân 1 ký tôm cuốn chả ram giá thành phẩm từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, trừ chi phí nhân công lao động, bà Định thu lãi khoảng 10 triệu đồng/ 1 tháng. Bà Nguyễn Thị Thanh Định thôn Tân Dân 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh nói: Cô làm một ngày đầu ra khoảng 50 ký, một tháng nói chung đổ đồng 1 tấn rưỡi thành phẩm chả ram bán ra số tiền 150 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí, gia đình kiếm lãi khoảng 10 triệu đồng.
Khác với cơ sở cuốn chả ram của bà Nguyễn Thị Thanh Định, hướng khởi nghiệp ban đầu của hội viên phụ nữ Nguyễn Thị Ngọc Lan ở thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long với mô hình làm bánh tráng kẹo dừa bằng việc đi làm công nghề tráng bánh tráng. Nhận thấy trên địa bàn xã có nguồn dừa trái, cộng với nghề làm bánh tráng truyền thống nên nghĩ đến ý tưởng làm mô hình bánh tráng kẹo dừa. Dành dụm nguồn vốn từ năm 2008 đến năm 2016 bà Lan mới mở rộng cơ sở làm bánh tráng kẹo dừa và thuê nhân công phụ giúp. Sau nhiều năm thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm bánh tráng kẹo dừa của hộ bà Lan cũng từ đó vươn xa ngoài tỉnh Khánh Hòa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh chia sẻ: Năm 2008 bắt tay vào làm nghề kẹo dừa này, nhưng nhỏ lẻ thôi, năm 2016 mới bắt đầu thuê nhân công phụ giúp. 1 ngày trung bình làm khoảng 2.000 đến 2.500 bánh, nếu khách hang đặt nhiều thì làm tăng giờ lên. Mong muốn làm gì cũng thành công, ước mong được đăng ký an toàn thực phẩm và trang bị them máy móc để làm sản phẩm ra chất lượng, bán được nhiều nơi cao cấp hơn…)
Triển khai từ năm 2017, đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” được Hội liên hiệp phụ nữ huyện Vạn Ninh xây dựng kế hoạch hàng năm và chỉ đạo Hội phụ nữ 13 xã, thị trấn tích cực tuyên truyền đề án đến các chi, tổ hội. Qua đó phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã thật sự lan tỏa sâu rộng đến từng hội viên. Hiện nay trên địa bàn huyện Vạn Ninh có nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp mang lại thu nhập khá cao như mô hình trồng bông cúc của phụ nữ xã Vạn Bình, trồng tre mạnh tông lấy măng của phụ nữ xã Xuân Sơn, làm bánh tráng kẹo dừa của phụ nữ xã Vạn Long, cuốn chả ram của phụ nữ Vạn Thắng. Bên cạnh đó, để động viên các hộ phụ nữ nghèo có thêm điều kiện làm kinh tế gia đình, từ đầu năm đến nay Hội phụ nữ cơ sở đã trao tặng 7 sinh kế với số tiền 7 triệu đồng cho 7 phụ nữ khó khăn làm ăn buôn bán nhỏ, vươn lên trong cuộc sống. Bà Trần Thị Nga, Phó chủ tịch Hội lien hiệp Phụ nữ huyện Vạn Ninh cho biết: Quá trình triển khai đề án 939 cũng còn gặp một số khó khăn, nhất là về đăng ký an toàn vệ sinh, đăng ký thương hiệu cho các cơ sở và nguồn vốn. Trong năm tới Hội LHPN huyện có hướng chỉ đạo các cơ sở hội kết nối các kênh vay vốn của ngân hang cũng như tạo điều kiện hướng dẫn cho chị em đăng ký chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký xây dựng thương hiệu….để từng bước mở rộng cơ sở, đưa sản phẩm đến thị trường, tăng thu nhập cho gia đình cũng như giúp chị em khác khởi nghiệp.
Khởi nghiệp bất cứ mô hình nào cũng đều có khó khăn nhất định ban đầu, nhất là đối với phụ nữ vùng nông thôn. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực biến ý tưởng thành hiện thực cũng như sự tự tin dám nghĩ dám làm của phụ nữ hiện nay, đó sẽ hành trang quý để mỗi phụ nữ thành công với mô hình kinh tế của mình. Thiết nghĩ để mô hình khởi nghiệp của phụ nữ ngày càng phát triển bền vững, thị trường đón nhận sản phẩm thì cần lắm các cấp Hội phụ nữ hỗ trợ tích cực về vốn vay, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xây dựng nhãn hiệu để sản phẩm làm ra không chỉ được biết đến tại mỗi địa phương./.
HOÀI DUY