Sáng 6-11, chờ hơn 3 giờ, ông Huỳnh Văn Tuấn (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) mới mua được 6m tôn với giá hơn 900.000 đồng để về lợp lại mái nhà. Ông Tuấn bức xúc: “Thường ngày, 1m tôn chỉ có giá 65.000 đồng, hiện nay, họ tăng giá lên hơn 150.000 đồng. Trong lúc mưa bão, người dân phải chịu nhiều thiệt hại mà các cửa hàng còn tăng giá”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tạ Văn Quảng (xã Vạn Thắng, Vạn Ninh) cho biết: “Sau cơn bão số 12, căn nhà 180m2 lợp mái ngói đã bị tốc, vỡ gần hết. Ước chừng khắc phục xong hết cũng mất cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, mấy hôm nay, việc mua VLXD cực kỳ khó khăn. Tôi phải vào tận Ninh Hòa đặt hàng từ chiều tối qua tới cuối giờ trưa mới có để chở về. Giá bình thường chỉ có 14.000 đồng/viên, thế nhưng hiện nay đã lên đến hơn 30.000 đồng/viên. Tôi hy vọng Nhà nước kiểm soát thật chặt giá cả để người dân bớt vất vả. Sau bão đã thiệt hại nặng nề, bây giờ lại phải chịu cảnh tăng giá thì quá khổ!”.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, trên địa bàn huyện có nhiều nhà sập, tốc mái, tường bao bị đổ, ngã nên nhu cầu VLXD rất cao. Hàng đã khan hiếm lại còn tăng giá mạnh gấp 2, gấp 3 lần so với trước. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vận động các cửa hàng không tăng giá nhằm hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, tiến hành kiểm tra để ổn định thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều cửa hàng vẫn bán giá cao. Do vậy, huyện rất mong UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm có sự điều tiết về nguồn vật liệu và có sự hỗ trợ cho người dân của địa phương khắc phục hậu quả.
Tại thị xã Ninh Hòa, trong ngày 5 và 6-11, hầu hết đại lý bán VLXD đều không bán kịp do lượng khách hàng quá đông. Vì vậy, các đại lý đều bố trí nhân viên ngồi phát tích kê cho khách hàng điền số lượng, chủng loại hàng hóa, trả tiền rồi nhận hàng theo phiếu. Thậm chí, nhiều đại lý từ chối bán nếu khách hàng không chuẩn bị sẵn số tiền bởi… không có thời gian thối tiền. Theo ghi nhận của phóng viên, trong khi một số người dân không thể tự mua ở đại lý do quá đông thì lại có thể dễ dàng mua qua trung gian với điều kiện mất thêm một khoản phí. Bên cạnh khan hiếm VLXD, giá tăng, đa số người dân phải tự khắc phục bởi không kiếm được thợ sửa chữa, hoặc nếu có, giá công thợ cũng tăng gấp 2 - 3 lần.
Ông Nguyễn Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục QLTT: Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc bố trí trực, chủ động giám sát tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn quản lý. Hiện nay, các đội QLTT vẫn đang triển khai giám sát, kiểm soát cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và VLXD; tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh không được tăng giá quá mức, bất hợp lý; nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chi cục yêu cầu các đội QLTT báo cáo hàng ngày về diễn biến thị trường, giá cả trên địa bàn quản lý để phối hợp xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Thái Nam - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (phụ trách địa bàn Ninh Hòa) cho biết, trên địa bàn Ninh Hòa có khoảng 10 đại lý VLXD lớn. Sau bão, ban đầu, trên địa bàn có hiện tượng tăng giá VLXD đột biến. Tuy nhiên, sau khi Chi cục QLTT và UBND thị xã chỉ đạo đội kiểm tra, nhắc nhở và vận động các cơ sở kinh doanh VLXD cam kết không tăng giá bán thì tình hình ổn định hơn.
Hiện nay, tại các đại lý VLXD, ngói xi măng (hay còn gọi ngói Thái) đã “cháy” hàng. Các đại lý phải gọi hàng từ Bình Định, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh nhưng nguồn cung cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Theo báo cáo giá của Chi cục QLTT tỉnh ngày 6-11, tại các cơ sở bán lẻ tôn cắt sẵn, giá tôn lợp cắt sẵn loại 4 dem, ngói lợp tăng 10 - 15%; xà gồ sắt, thép tăng 5 - 10%; xi măng không có biến động về giá.
“Dự kiến khoảng 1 - 2 ngày tới, khi hàng từ các tỉnh chuyển về, tình trạng khan hàng sẽ hết, thị trường sẽ ổn định”, ông Nam nói.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa