Từ năm nay, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai thí điểm mô hình Khu dân cư điện tử (KDCĐT) tại một số địa phương nhằm góp phần hình thành các điều kiện cần thiết để xây dựng thành công chính quyền điện tử.
Quản lý, vận hành khu dân cư trên hệ thống thông tin điện tử
Tháng 12-2020, UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng thí điểm mô hình KDCĐT. Khu dân cư được chọn thí điểm là thôn, tổ dân phố, khu đô thị hoặc cộng đồng dân cư tập trung. Toàn bộ chức năng, dịch vụ của KDCĐT được tổ chức tập trung trên Hệ thống thông tin KDCĐT tỉnh. Tham gia KDCĐT có công dân điện tử; chính quyền điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích điện tử, dịch vụ sự nghiệp điện tử, thương mại điện tử. KDCĐT thực hiện 5 chức năng chính: Chính quyền điện tử; dịch vụ sự nghiệp điện tử; dịch vụ công ích điện tử; thương mại điện tử và tự quản cộng đồng điện tử.
|
Chức năng chính quyền điện tử cho phép chính quyền địa phương, thôn, tổ dân phố công khai ngân sách, chương trình kinh tế - xã hội, kế hoạch, dự án, cơ chế, chính sách, đất đai, hộ nghèo, việc làm, nhân sự, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… qua trang thông tin điện tử, chia sẻ qua Facebook, Zalo, SMS… Người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể phản ánh, góp ý, thắc mắc trực tuyến; kết nối, tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính, nhận kết quả hồ sơ qua thiết bị kết nối mạng, nộp trực tuyến các khoản đóng góp, huy động khác của chính quyền.
Dịch vụ sự nghiệp điện tử cho phép các đơn vị sự nghiệp công gửi thông báo, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công, dịch vụ bác sĩ gia đình qua mạng; kết nối giữa nhà trường, cơ sở y tế với gia đình để quản lý, giáo dục học sinh, thậm chí giám sát con em trên lớp trực tuyến, đăng ký lịch khám chữa bệnh, thanh toán trực tuyến... Với dịch vụ công ích điện tử, các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích giới thiệu, ký hợp đồng, cung cấp, hướng dẫn sử dụng dịch vụ, bảo trì, bảo hành, thanh toán chi phí, khảo sát khách hàng trực tuyến.
Với chức năng thương mại điện tử, ngoài đặt hàng, đặt phòng, đặt vé, thanh toán trực tuyến, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể cập nhật, gợi ý những mô hình, cách làm hay trong sản xuất kinh doanh; chia sẻ, kết nối ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong KDCĐT. Chức năng tự quản cộng đồng điện tử cho phép thôn, tổ dân phố triển khai hoạt động, phong trào đến từng hộ; tổ chức họp trực tuyến. Người dân có thể thảo luận, phân công, điều hành các sinh hoạt chung và góp ý, phản ánh trực tuyến về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cơ chế, chính sách quản lý…
Triển khai theo lộ trình
Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban điều hành đề án cho biết, việc triển khai đề án nhằm từng bước hình thành nên các khu vực có đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và các giải pháp ứng dụng cộng đồng để công dân, gia đình tương tác, tiếp nhận, cung cấp thông tin, sử dụng dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ công ích và thương mại điện tử; thực hiện tự quản cộng đồng, tham gia hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Từ đó, góp phần hình thành các điều kiện cần thiết để xây dựng thành công chính quyền điện tử. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần theo lộ trình phù hợp; trước mắt thí điểm ở một số địa phương, từ đó xem xét mở rộng phạm vi thực hiện.
Tại các nơi thí điểm, ban điều hành sẽ phối hợp nghiên cứu, vận động, thiết lập các điểm cung cấp, hỗ trợ dịch vụ trực tuyến theo mô hình xã hội hóa (như “Cà phê dịch vụ công trực tuyến”; “Không gian KDCĐT”…) và nhân rộng tại các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu. Các địa phương thí điểm rà soát, hỗ trợ tăng cường kết nối Internet và trang thiết bị kết nối mạng, văn phòng phẩm. Đồng thời, xây dựng Hệ thống thông tin KDCĐT, kết nối với Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai sử dụng hệ thống này cho các đơn vị thí điểm. Ban điều hành cũng xây dựng các quy chế quản lý; phối hợp tuyên truyền, vận động, giới thiệu và tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ kết nối cộng đồng, vận hành các chức năng của KDCĐT qua họp thôn, tổ dân phố, phương tiện thông tin đại chúng…
Đề án dự kiến thí điểm từ năm 2021 đến 2023, năm 2024 tổng kết. Trong năm nay, ban điều hành chọn 3 - 5 xã, phường thuộc TP. Nha Trang, mỗi xã, phường chọn 1 thôn hoặc tổ dân phố, khu đô thị. Mỗi xã, phường sẽ tổ chức 1 điểm cung cấp, hỗ trợ dịch vụ trực tuyến. Năm 2021 - 2022, xây dựng giai đoạn 1 Hệ thống thông tin KDCĐT, kết nối hoàn thiện các chức năng, dịch vụ thuộc nhóm chính quyền điện tử và tự quản cộng đồng điện tử, bắt đầu triển khai hệ thống này cho các đơn vị thí điểm tại Nha Trang. Năm 2022 - 2023, hoàn thành giai đoạn 2 Hệ thống thông tin KDCĐT, kết nối mở rộng với các dịch vụ công ích, sự nghiệp công, ứng dụng thương mại điện tử, dịch vụ nền và các ứng dụng trực tuyến khác; triển khai hệ thống hoàn thiện cho các đơn vị thí điểm ở Nha Trang và mở rộng thí điểm tại 2 xã thuộc 2 huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh. |
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa