Hiện nay, việc tiêu thụ tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang ở 2 chiều hướng trái ngược nhau khi tôm hùm xanh vẫn tiêu thụ ổn định, tôm hùm bông lại vắng người thu mua. Thực tế này đòi hỏi phải có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm để ổn định đầu ra cho đối tượng nuôi chủ lực của người dân trong tỉnh.
Loại dễ, loại khó tiêu thụ
Khoảng 1 tháng qua, người nuôi tôm hùm bông trên vịnh Vân Phong đứng ngồi không yên khi tôm đã đạt trọng lượng xuất bán nhưng thưa vắng người thu mua. “Gia đình tôi có khoảng 3,5 tấn tôm hùm bông kích cỡ 0,8 - 1kg/con nhưng vẫn chưa bán được. Tôm không xuất bán được, tiếp tục phải nuôi lưu giữ khiến chi phí tăng lên từng ngày. Mỗi ngày, gia đình tôi phải tốn thêm khoảng 20 triệu đồng tiền thức ăn cho tôm”, ông Nguyễn Hữu Nguyên - người nuôi tôm hùm ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) chia sẻ.
|
Việc tiêu thụ tôm hùm bông tại vùng nuôi trên vịnh Vân Phong khá chậm. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn huyện Vạn Ninh có khoảng 35.000 lồng nuôi tôm hùm các loại, trong đó hơn 50% lồng nuôi tôm hùm bông. Nghề nuôi tôm hùm đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn bởi thời gian nuôi tôm kéo dài từ 10 - 12 tháng đối với tôm hùm xanh, khi đó tôm đạt kích cỡ khoảng 3 con/kg; còn tôm hùm bông nuôi khoảng 18 - 20 tháng, tôm đạt kích cỡ khoảng 0,8 - 1kg/con. Khoảng 1 tháng trước, giá tôm hùm bông được thương lái thu mua dao động 1,6 - 1,7 triệu đồng/kg, với giá này người nuôi vẫn có lãi. Hiện nay, giá tôm hùm bông ở mức 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg nhưng tiêu thụ rất chậm.
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh xác nhận, tôm hùm bông thương phẩm đang vắng thương lái thu mua. Tôm đạt kích cỡ xuất bán nhưng không bán được khiến chi phí tăng lên, dễ dẫn đến nguy cơ thua lỗ. Trước tình hình này, người nuôi cần tập trung chăm sóc và theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi mật độ vừa phải và đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, việc tiêu thụ tôm hùm xanh vẫn khá thuận lợi, giá cả ổn định quanh mức 1 - 1,1 triệu đồng/kg ở cả vùng nuôi huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh. Ông Nguyễn Văn Hậu (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch 12 lồng tôm hùm xanh với sản lượng khoảng 1 tấn. Tôm được thương lái thu mua với giá hơn 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí tôi thu lãi 500 triệu đồng. Toàn xã Cam Bình có khoảng 20.000 lồng nuôi tôm hùm xanh, được nuôi, thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu quanh năm. Người dân vẫn xuất bán tôm đều đặn, tháng nhiều được hơn 100 tấn tôm thịt, tháng ít thì vài chục tấn”.
Liên kết để có đầu ra ổn định
Theo một số thương lái, hiện nay, tôm hùm bông hầu hết được thương lái thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thị trường này biến động liên tục, khoảng 1 tháng qua, các loại tôm hùm, nhất là tôm hùm bông không xuất được nên bị ứ đọng. Tôm hùm xanh trọng lượng nhỏ hơn, giá thành thấp hơn nên tiêu thụ nội địa khá thuận lợi, thương lái vẫn thu mua bình thường với giá ổn định.
Hiện nay, việc tiêu thụ tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Người nuôi tôm hùm luôn gặp nhiều rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá… Vì vậy, để ổn định đầu ra cho tôm hùm thương phẩm cần thành lập chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết: “Lâu nay, thương lái gom hàng cho các công ty xuất khẩu tôm hùm nhưng rất ít công ty liên kết với người nuôi trồng thủy sản. Sau khi có quy hoạch vùng nuôi chi tiết, địa phương sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với các cơ quan chức năng kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu để ổn định đầu ra cho tôm hùm”.
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó có tôm hùm. Để ổn định đầu ra, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch tôm hùm sang thị trường này. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu tôm hùm và phải gắn với truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tôm hùm chính ngạch. Tuy nhiên, so với quy mô của nghề nuôi tôm hùm trong tỉnh thì số lượng các chuỗi liên kết còn rất hạn chế. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có định hướng xây dựng thêm các mô hình liên kết này ở các vùng nuôi trên địa bàn huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa