Những tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Phát hiện nhiều vụ vi phạm
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý nhằm đẩy lùi các tệ nạn, góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật. Các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chủ động và tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời xử lý các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm.
Điển hình như ngày 13-2, Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Ninh Hòa, Công an xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa) tiến hành kiểm tra ô tô tải biển kiểm soát 60H-03827 do tài xế Nguyễn Hữu Hùng (tỉnh Hà Giang) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng phát hiện trên xe vận chuyển 130 thùng thuốc lá điếu có nhãn mác ghi chữ nước ngoài, không có dán tem thuốc lá nhập khẩu theo quy định; ông Hùng không cung cấp được giấy tờ, hóa đơn mua bán chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng nêu trên. Xác định vụ việc có dấu hiệu phạm tội vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã đề xuất chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật liên quan đến bộ phận chức năng thuộc Công an tỉnh để tiếp tục điều tra theo quy định. Hay ngày 14-2, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Xăng dầu Cam Hiệp (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm). Qua kiểm tra, đội phát hiện công ty này có hành vi vi phạm hành chính, như: Kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực; không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Cục QLTT tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 57,5 triệu đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong quý I, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 485 vụ vi phạm, chủ yếu là các hành vi vi phạm buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại, gian lận thuế; hàng giả… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 30,42 tỷ đồng; xử lý hình sự 2 vụ với 4 đối tượng.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Theo ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, điều kiện về nhân lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trang thiết bị, kinh phí đặc thù để phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của các lực lượng thực thi, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác dự báo tình hình diễn ra ở các địa bàn trọng điểm và nắm tình hình thị trường hàng hóa, giá cả tại một số thời điểm chưa chủ động, nhạy bén; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đôi khi vẫn còn bị động, chưa đề xuất được các giải pháp xử lý một cách bài bản; hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên môi trường mạng ngày càng phát triển nhưng việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, bất cập...
|
Công an thu giữ lô thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh Tạ Long) |
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi: Mua bán, vận chuyển hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; gian lận về nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội; ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Ngoài ra, tăng cường công tác dự báo, nắm diễn biến thị trường; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn; thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đặc biệt, việc tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các kho, bến bãi, điểm tập kết, cơ sở kinh doanh cố định có dấu hiệu chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cảng biển, cảng hàng không và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; xây dựng và triển khai các chương trình, giải pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo lĩnh vực, chuyên ngành…
“Để đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình kiểm tra thị trường, các vụ việc, vấn đề nổi cộm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đến quần chúng nhân dân, giải quyết kịp thời bức xúc trong dư luận. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, khu vực trung chuyển hàng hóa” - ông Sơn nói.
Nguồn; Báo điện tử Khánh Hòa