Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành cuốn sách “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”. Tập sách in lại những bức thư tâm huyết mà Bác Hồ đã gửi các chính khách, tổ chức và cá nhân ở Mỹ trong suốt 50 năm, từ năm 1919 đến 1969. "Những bức thư ngắn gọn trải dài nửa thế kỷ ấy đã dựng lên chân dung một con người vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh, dựng lên một con đường chân chính cũng như lịch sử kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam".
|
Sách " Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ" bản bìa mềm. |
Từ những lá thư đầy nhẫn nhịn...
Lá thư đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi người Mỹ được viết ở Paris năm 1919 đứng tên Nguyễn Ái Quốc. Khi ấy, thay mặt những người yêu nước An Nam, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Mỹ cùng bản ghi Yêu sách của nhân dân An Nam và đề nghị đại diện của nước Mỹ ủng hộ bản yêu sách này tại Hội nghị Versailles (nơi các nước đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp bàn về một hiệp định hòa bình với phe thua trận và đặt ra các nguyên tắc cho các quan hệ quốc tế sau chiến tranh). Điều này chứng tỏ, với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ khi đó, vị lãnh tụ tương lai của dân tộc Việt Nam đã muốn đặt quan hệ ngoại giao với nước Mỹ.
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Người thường xuyên gửi thư đến Tổng thống Mỹ và các chính khách nước Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ của nước Mỹ đối với nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ của Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc ra khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh.
Sau khi thực dân Pháp tấn công nước ta lần thứ hai, ngày 18-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman để thông tin về những hậu quả nghiêm trọng mà Pháp đang gây ra cho đất nước Việt Nam và cho hòa bình thế giới. Cuối thư, Người bày tỏ: “Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước”. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 16-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi Tổng thống Harry Truman bày tỏ mong muốn được hợp tác toàn diện với Mỹ: “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Những lá thư này cho thấy, ngay từ khi giành được độc lập cho nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Vượt qua sự chi phối về ý thức hệ, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, Người đã gửi đi những thông điệp mong muốn được hợp tác với Mỹ bằng những lời lẽ rất chân thành và đầy sự kham nhẫn. Tiếc rằng, chính giới Mỹ đã không đáp lại tấm thịnh tình và nguyện vọng chính đáng của Chính phủ và nhân dân Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
... đến những lời đanh thép
Kể từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục gửi thư đến các tổng thống Mỹ nhưng giọng điệu đã “đanh thép” hơn nhiều. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ ngày 4-11-1956, Người đã lên án Tổng thống Eisenhower là người thừa kế những lãnh tụ vĩ đại của Mỹ, thường nói đến hòa bình, chính nghĩa... nhưng trong hành động thực tế đối với Việt Nam đã làm trái ngược với chính nghĩa, hòa bình. “Ngài đã khuyến khích chính quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngăn trở Việt Nam thống nhất. Ngài đã cho đưa vào miền Nam Việt Nam nhiều vũ khí, đạn dược và nhân viên quân sự Mỹ, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự và một thuộc địa của Hoa Kỳ…”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngần ngại chỉ trích.
Đến thời Tổng thống J.Kennedy, Người tiếp tục có thư gửi đến Tổng thống Mỹ phản ứng gay gắt về việc Mỹ đã rắp tâm chia rẽ Việt Nam thành hai miền, đưa quân vào Việt Nam, biến “miền Nam Việt Nam thành địa ngục ở trần gian”. Khi Mỹ leo thang, lún sâu vào chiến tranh tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có những lời đanh thép tố cáo tội ác của quân đội Mỹ. Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson tháng 2-1967, sau khi tố cáo tội ác của quân đội Mỹ đã gây ra ở cả hai miền Nam - Bắc của Việt Nam, Người đặt ra câu hỏi rất sắc sảo: “Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy. Chính là quân Mỹ và quân chư hầu Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay”. Và Người yêu cầu: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam…”.
Xen lẫn giữa những bức thư với lời lẽ quyết liệt, đanh thép đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có những lá thư, bức điện gửi đến nhân dân Mỹ với lời lẽ chân thành, hữu nghị và cả sự biết ơn vì những đoàn thể, nhân sĩ tiến bộ của Mỹ đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. “Mặc dù Chính phủ Mỹ đã và đang phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam, chúng tôi không hề lẫn lộn chúng với nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa mà chúng tôi vẫn kính trọng. Với sự phấn đấu bền bỉ của nhân dân Mỹ, nhất là thanh niên học sinh Mỹ, kết hợp với sự đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, tôi chắc rằng phản động Mỹ sẽ thua, nhân dân hai nước chúng ta sẽ thắng. Lúc đó nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ sẽ bắt chặt tay nhau trong hòa bình và hữu nghị…”, Người viết trong thư gửi học sinh Mỹ ngày 15-5-1964.
Ngày 25-8-1969 (9 ngày trước khi qua đời), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lá thư cuối cùng gửi nước Mỹ, đó là thư trả lời Tổng thống R.Nixon về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài”.
|
Sách "Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ" bản đặc biệt làm quà tặng Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Dương Minh Long |
Tháng 9-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chọn cuốn sách “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” để làm quà tặng Tổng thống Mỹ. Sách được làm thủ công độc bản trong gần 3 tháng, với thiết kế bìa, hộp làm từ da đặc biệt của Hermes, mặt bìa hộp đựng làm bằng gốm men lam do các nghệ nhân Huế thực hiện. Bìa sách có bức chân dung đen trắng Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp năm 1946, in trên chất liệu canvas, dán vào bìa…
Hơn 55 năm kể từ lá thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến nước Mỹ, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã có một bước tiến dài. Sau những đau thương mà Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, cuối cùng Việt Nam và Mỹ đã tìm thấy nhau trong hòa bình, hợp tác và phát triển, trong chân thành và thực sự tôn trọng lẫn nhau. Gác lại quá khứ hướng đến tương lai! Việt Nam - Mỹ bây giờ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững... Đọc lại những bức thư tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ, càng thấm thía với tầm nhìn xa trông rộng của Người về chiến lược ngoại giao, trong đó có việc thiết đặt quan hệ ngoại giao với nước Mỹ. Và như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Những bức thư ngắn gọn trải dài nửa thế kỷ ấy đã dựng lên chân dung một con người vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh, dựng lên một con đường chân chính, dựng lên một lịch sử kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam”. Với ý nghĩa đó, những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ đã thành di sản vô giá của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa