Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Xuân
Tây) cũng chuyển đổi gần 1ha đất lâm nghiệp và đất trồng lúa kém hiệu
quả sang trồng tỏi. Ông Hùng cho hay: “Với gần 1ha đất, chi phí chuyển
đổi, đầu tư trồng tỏi của gia đình tôi hết gần 400 triệu đồng. Cây tỏi
rất tiết kiệm nước, bởi 2 đến 3 ngày mới tưới 1 lần, giảm công sức lao
động. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch tỏi, gia đình còn tận dụng diện
tích này để trồng đậu phụng, trồng hành để cải tạo đất. Với cách làm
này, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng, cao
hơn nhiều so với trồng bạch đàn và trồng lúa”.
Theo lãnh đạo UBND xã Vạn Hưng, việc người dân tự ý chuyển đổi diện tích
đất lâm nghiệp sang trồng tỏi là sai. Thế nhưng, xét thấy số diện tích
này nhiều năm qua không mang lại hiệu quả, trong lúc cây tỏi cho thu
nhập cao nên xã cũng không ngăn cấm. Đến nay, các hộ đã tự ý chuyển đổi
được gần 100ha đất lâm nghiệp sang trồng tỏi. “Để tạo điều kiện cho
người dân phát triển sản xuất, địa phương đã kiến nghị với UBND tỉnh và
lãnh đạo các sở, ngành tiến hành khảo sát thực tế để chuyển đổi hơn
220ha đất lâm nghiệp không hiệu quả sang trồng tỏi. Diện tích đất này đã
giao cho 92 hộ sử dụng, nhưng do thiếu nước nên nhiều diện tích rừng
bạch đàn trồng bị chết khô. Vì thế, địa phương rất mong các cấp, ngành
quan tâm sớm chuyển đổi cho người dân phát triển cây tỏi”, ông Trần
Thanh Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng kiến nghị.
Sẽ quy hoạch khu vực trồng tỏi
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Hưng có
hơn 200 hộ trồng tỏi với tổng diện tích hơn 170ha, tập trung ở các
thôn: Xuân Tây, Xuân Đông và Xuân Vinh. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng
ở khu vực này thích hợp với cây tỏi nên năng suất đạt trên 75 tạ/ha.
Giá tỏi khô ổn định, trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng/kg nên thu nhập
của người dân khá cao.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để hợp thức
cho người dân, địa phương đã kiến nghị với UBND tỉnh cho phép chuyển
đổi toàn bộ đất lâm nghiệp không hiệu quả ở đây sang trồng tỏi. Tại buổi
làm việc mới đây với huyện Vạn Ninh, đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ
tịch UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương, giao cho Sở Tài nguyên và Môi
trường phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)
tiến hành khảo sát để thực hiện chuyển đổi cho người dân. Bên cạnh đó,
đồng chí Đào Công Thiên còn yêu cầu Sở NN-PTNT khẩn trương xây dựng đề
án phát triển cây tỏi ở Vạn Hưng. Từ đó, quy hoạch khu vực trồng tỏi và
tiến tới xây dựng thương hiệu tỏi trên đất Khánh Hòa để nâng cao giá trị
sản phẩm, phát triển bền vững.
Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh
cho biết: “Việc chuyển đổi đất lâm nghiệp kém hiệu quả ở Vạn Hưng sang
trồng tỏi là rất cần thiết. Hiện nay, diện tích trồng tỏi ở đây khá lớn,
do đó, chúng tôi đã đưa khu vực này vào kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn
và đang trình Sở NN-PTNT, UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi kế hoạch
này được thông qua, chúng tôi sẽ tiến hành thành lập hợp tác xã trồng
tỏi để có sự hướng dẫn về kỹ thuật chăm bón, sản xuất theo đúng quy
trình. Đồng thời, xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa, kết nối với các
doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho người dân”.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa