Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều 5-5, tại Trụ sở UBND tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.
Cùng dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 60 địa phương có rừng trên cả nước.
Hội nghị tập trung thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc về thể chế trong việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; giải pháp để duy trì tỉ lệ che phủ rừng; việc bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 là thời điểm trước và trong mùa khô, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, qua đó chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng, chủ rừng chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng nhằm giảm nguy cơ cháy rừng.
Bộ cũng chỉ đạo, huy động lực lượng kiểm lâm Trung ương (cục kiểm lâm, chi cục kiểm lâm vùng) kịp thời hỗ trợ các địa phương khi xảy ra cháy lớn, nguy hiểm tại các địa phương, như Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long....
Về công tác dự báo, cảnh báo sớm, Bộ thường xuyên tiếp nhận, cập nhật thông tin về diễn biến các điểm cháy rừng trên toàn quốc thông qua trạm thu vệ tinh MODIS; kịp thời thông báo cho các địa phương thông tin về điểm cháy để kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 400-500 điểm phát lửa trên toàn quốc.
Bộ cũng phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cung cấp thông tin về dự báo thời tiết trong 7 ngày để các địa phương chủ động trong phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì chế độ trực phòng cháy, chữa cháy 24/24 giờ tại cục kiểm lâm và các chi cục kiểm lâm vùng.
Phát hiện trên 3.300 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng
Bộ NN&PTNT cho hay, năm 2023, trên toàn quốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng, giảm 5.790 vụ so với năm 2022. Diện tích rừng bị tác động là hơn 1.000 ha.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động là 182,2 ha, giảm 75,7 ha so với năm 2023. Tuy nhiên, có 10 vụ chống người thi hành công vụ, làm 13 người bị thương và tử vong.
Các vụ phá rừng chủ yếu xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…
Dù số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm, song vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Diện tích rừng bị phá chủ yếu là diện tích rừng chưa được Nhà nước giao, cho thuê, đang do UBND cấp xã quản lý; một số diện tích do các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà của người dân.
Cháy rừng làm 18 người chết, bị thương
Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 399 vụ cháy rừng, làm ảnh hưởng đến 985,5 ha, làm 12 người tử vong và 6 người bị thương.
Nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.
Tại hội nghị, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống cháy rừng, như ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng tại Kon Tum, hay tổ chức tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô để khi có sự cố có thể huy động ngay lực lượng tập huấn tham gia chữa cháy.
Các địa phương phản ánh có tình trạng bỏ việc, chuyển việc trong lực lượng quản lý bảo vệ rừng do thu nhập còn thấp; kiến nghị Trung ương quan tâm, tăng mức hỗ trợ đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng để lực lượng này yên tâm công tác.
Các địa phương kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng dự thảo các nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; sớm ban hành hướng dẫn thực hiện điều 248 của Luật Đất đai 2024.
Các địa phương đề nghị Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch quốc gia về lâm nghiệp; sớm thực hiện kiểm kê rừng trên toàn quốc để đánh giá đúng thực trạng rừng; sớm ban hành cơ chế, chính sách về tín chỉ carbon để tạo nguồn tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; xem xét bố trí nguồn vốn dự phòng cho phòng, chống thiên tai, sự cố còn dư cho các địa phương để phòng cháy rừng; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cảnh báo, chữa cháy rừng.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành phản hồi những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương; cập nhật tình hình sửa đổi, bổ sung, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường, không loại trừ khả năng có những đợt nắng hạn kéo dài.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Qua khảo sát buổi sáng và các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương lấy ý kiến góp ý của các địa phương trên cả nước đối với các dự thảo nghị định nêu trên; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cũng phải quan tâm thực chất, đóng góp ý kiến có chất lượng đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương nhằm bảo đảm chất lượng thể chế được ban hành, tránh tình trạng phải sửa đổi nhiều lần.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra.
Bộ NN&PTNT tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cấp bách kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 của các địa phương, gửi Bộ KH&ĐT để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ TN&MT chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia bảo đảm việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết kịp thời, chính xác cho các địa phương.
Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng là trách nhiệm của các địa phương; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là trong bối cảnh dự báo tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến bất thường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Các địa phương cần rà soát các phương án, kịch bản phòng, chống cháy rừng, thực hiện điều chỉnh cho sát với thực tiễn; quan tâm, chăm lo hơn nữa cho lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng. Phó Thủ tướng đánh giá cao các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hoà, TPHCM, Đồng Nai… đã quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đồng thời, các địa phương cũng cần quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào tuần tra, kiểm soát, theo dõi diến biến cử rừng để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, giảm áp lực cho lực lượng chuyên trách. Tại Trạm Ya Krei, có cán bộ đã đi bộ tuần tra 370 km/tháng.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương kiểm soát tốt tình trạng di dân tự do để phòng ngừa việc xâm phạm đất rừng do không có đất ở, đất sản xuất; công an tỉnh tăng cường tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác phòng, chống cháy rừng.
Đối với vấn đề biên chế, Phó Thủ tướng nêu rõ, chủ trương chung của Trung ương là tinh giản biên chế, vì thế trong tổng biên chế được giao, các địa phương phải linh hoạt trong bố trí biên chế cho lực lượng quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là việc huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, các tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống cháy rừng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử điểm cao 995-Chư Tan Kra - Ảnh: VGP/Hải Minh
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử điểm cao 995-Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Khu di tích là nơi ghi danh hơn 200 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu trên Điểm cao 995-Chư Tan Kra vào ngày 26-3-1968, đa số là những người lính sinh ra tại Thủ đô Hà Nội.
Bằng tấm lòng tri ân của các thế hệ, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội và tỉnh Kon Tum đã xây dựng công trình văn hóa tâm linh Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Chư Tan Kra đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Năm 2013, Chư Tan Kra được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Vạn Ninh