45 năm sau ngày ngọn cờ giải phóng tung bay trên quần đảo Trường Sa, quân và dân huyện đảo đang bước vào thời kỳ lịch sử mới. Thời kỳ xây dựng quần đảo Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”…
Chung tay dựng xây đảo
Chúng tôi đặt chân đến thị trấn Trường Sa trong một ngày biển lặng. Khi vào âu tàu, con tàu KN491 với lượng choán nước 2.400 tấn đã được lai dắt vào đến tận cầu cảng. Từ trên boong tàu, có thể quan sát thấy những cư dân Trường Sa đã chỉnh tề trong bộ quần áo và nón lá mới vẫy chào, vui đón. Những em bé gái trong bộ áo dài xinh xắn. Còn những bé trai thì bận trên mình bộ quần áo hải quân còn nếp gấp. Phóng tầm mắt về cuối đảo, thị trấn Trường Sa hiện ra như một bức tranh tuyệt mỹ giữa trùng khơi. Từ sân bay, trạm rada, hệ thống năng lượng sạch, những căn nhà nhỏ của các cư dân xen lẫn những hàng cây xanh cao vút khiến tất cả phải trầm trồ.
Đặt chân lên cầu cảng, vùng biển đảo tuy xa mà gần, nhiều người cứ ngỡ như thân quen lắm dù lần đầu lên đảo. “Đảo thật đẹp và lộng lẫy. Lần đầu đặt chân lên đảo, tôi cứ ngỡ như một góc làng quê tôi ở Hưng Yên. Nơi đây có cây cối xanh rợp bóng mát, đường bê tông và cả những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi”, nhà báo Phạm Văn Quang - phóng viên Báo Điện Biên Phủ thốt lên đầy bỡ ngỡ. Anh nói thêm: “Trường Sa anh hùng lâu nay chỉ được nghe qua báo, đài nhiều nhưng vẫn chưa thể hình dung hết được. Hôm nay, được tận mắt chứng kiến quân, dân Trường Sa dựng xây đảo, mới thấy hết được những nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ của vùng đất giữa Biển Đông”. Đứng bên cạnh, nhà báo Nguyễn Ngọc Diên - Báo Văn Hóa cũng cùng chung cảm nhận. Năm nay đã 55 tuổi, nhưng lần đầu đến Trường Sa, anh tranh thủ từng phút giây để ghi lại những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất của đất và người nơi đây. “Tôi không nghĩ nơi này lại đẹp đến vậy!”, anh Diên tâm sự.
Trích: Báo điện tử Khánh Hòa