Hình ảnh: Nha Ngân khố quốc gia
Kho bạc Nhà nước Việt Nam - lịch sử hình thành và phát triển.
Kho bạc Nhà nước (tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam State Treasury, viết tắt là VNST) là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước được giao quản lý; quản lý ngân quỹ; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật.
Kho bạc Nhà nước (KBNN) với tiền thân là Nha ngân khố Quốc gia, được thành lập vào 29/05/1946 theo sắc lệnh số 75/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút ký. Ngay từ khi thành lập, Nha ngân khố Quốc gia được giao những trọng trách quan trọng trong Bộ Tài chính: tập trung quản lý các khoản thu về thuế, đảm phụ quốc phòng và công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán; chịu trách nhiệm xác nhận và thanh toán kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng; làm thủ tục quyết toán với cơ quan tài chính; phát hành giấy bạc Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ kế toán. Kể từ khi được hình thành và đi vào hoạt động, Nha ngân khố đã hoàn thành mọi trọng trách mà chính phủ giao phó trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vì vừa phải kháng chiến chống giặc, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện nghèo nàn, thiếu thốn. Nha ngân khố đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng chính quyền và bảo vệ nhân dân, tổ chức phát hành các loại tiền dưới hình thức tín phiếu để giải quyết các nhu cầu chi tiêu của cán bộ, bộ đội và nhân dân ở các vùng mới giải phóng.
Trước tình hình của cuộc kháng chiến đồng thời cụ thể hoá chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý Quỹ ngân sách Nhà nước, ngày 20/7/1945 Thủ tướng chính phủ ký Nghị định số 107/TTg (ngày nay gọi là Quyết định) thành lập Kho bạc Nhà nước đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính. KBNN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý thu, chi quỹ ngân sách nhà nước. Trong thời gian hoạt động (1951-1964) KBNN đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình: tích cực đấu tranh với địch trên mặt trận tài chính - tiền tệ; từng bước xây dựng và củng cố chế độ tiền tệ độc lập, tự chủ.
Ngày 27/7/1964 Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 113/CP các hoạt động của KBNN do vụ quản lý ngân quỹ NSNN thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm.
Sau khi đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI kết thúc, năm 1986 đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, việc tách bạch hoạt động kinh doanh tiền tệ với nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách là đòi hỏi tất yếu. Để nắm chắc tình hình thu, chi và sử dụng có hiệu quả quỹ NSNN, việc chuyển chức năng quản lý quỹ NSNN về Bộ Tài chính là cần thiết, trước tình hình cấp bách đó, Chính phủ đã có chủ trương tái thành lập hệ thống KBNN theo Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính. Vào ngày 01/04/1990 hệ thống KBNN Việt Nam chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Vào thời điểm này, KBNN có 3 chức năng chính: quản lý quỹ NSNN, huy động vốn và tổ chức công tác kế toán NSNN. Trong quá trình phát triển, hòa mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, hệ thống KBNN đã sửa đổi, bổ sung , hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để phù hợp thực tiễn. Kể từ khi tái thành lập đến nay, hệ thống KBNN đã có bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; khẳng định là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong bộ máy hành chính công quyền của nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính của nhà nước, huy động vốn cho NSNN, cho đầu tư phát triển, là đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán NSNN, thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước.
Trong xu thế chung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ đề ra, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và ban hành Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021 về Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới Kho bạc số, gồm: Kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Đồng thời, Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 theo quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022, trong đó xác định mục tiêu tổng quát mà KBNN phải thực hiện là: Xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trên cở sở mục tiêu, nhiệm vụ và gỉai pháp mà Chính phủ đã phê duyệt, Bộ Tài chính ban hành quyết định số 2222/QĐ-BTC ngày 04/11/2022 về việc phê duyệt chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, để thực hiện tốt chương trình hành động mà Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN đã ban hành quyết định số 6219/QĐ-KBNN ngày 01/12/2022 về việc phân công nhiệm vụ, đề án triển khai chương trình hành động của Bộ Tài Chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, theo đó, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN.
Ghi nhận những công lao to lớn và những thành tích mà hệ thống KBNN đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước kể từ khi thành lập đến nay, Đảng và nhà nước đã nhiều lần trao tặng KBNN nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng ba. Phát huy những truyền thống vẻ vang của thế hệ công chức KBNN từ những ngày đầu thành lập, công chức KBNN đang ra sức phấn đấu thi đua, học tập, rèn luyện phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động, không ngại khó, ngại khổ cùng nhau vượt qua mọi thách thức hoàn thành tốt mọi trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.
Để tiếp nối truyền thống từ những ngày đầu thành lập, ngày 26/9/2011 Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 29/5 là ngày truyền thống của ngành Kho bạc. Đây là một ngày quan trọng của các thế hệ công chức KBNN qua các thời kỳ, thông qua ngày này, các thế hệ công chức có dịp nhìn lại những thành tích mà KBNN đã đạt được, có quyền tự hào và tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu, cùng chung tay xây dựng KBNN hiện đại, an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững.
HÀ TRANG