Từ năm 2017, xã Xuân Sơn đẩy mạnh công tác chuyển đổi giống cây trồng, đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: xoài Úc, dừa xiêm… Đến nay, địa phương đã thực hiện chuyển đổi hơn 50ha, bước đầu việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả.
Thời gian trước đây, gia đình ông Nguyễn Nở, thôn Xuân Cam, xã Xuân Sơn chủ yếu trồng mía và trồng lúa trên diện tích hơn 2,5 ha đất vườn của gia đình tuy nhiên khoảng vài năm trở lại đây hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng lúa và trồng mía không cao, thiếu ổn định. Vì vậy, năm 2015, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, thời gian đầu ông Nở trồng 250 cây xoài và khoảng vài chục cây mít Thái trên diện tích 1ha. Ông Nở cho biết, các giống cây mới đã cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng của vùng, cùng với đó ông thực hiện đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới tiêu, mua phân bón… vì thế cây trồng phát triển tốt đã cho trái sau 2 năm chăm sóc, mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng tuy chưa phải là cao nhưng đó là tín hiệu vui đối với gia đình. Hiện nay, ông và gia đình đang tiếp tục đầu tư, cải tạo gần 1ha vườn của gia đình để trồng tiếp 250 cây dừa cũng như tiếp tục chăm sóc các giống cây đã trồng trước đây và trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục đưa các giống cây mới vào trồng trên toàn bộ diện tích vườn của gia đình trong đó có nhiều giống cây đã được trồng tại địa phương và mang lại kết quả khả quan như: bưởi, quýt…
Trong số các giống cây trồng được đưa vào chuyển đổi thì dừa xiêm là cây trồng được nông dân xã Xuân Sơn ưa thích; thực tế thì cây dừa xiêm đã bén duyên với vùng đất Xuân Sơn được gần 10 năm và mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Đắc Khành, thôn Xuân Trang, xã Xuân Sơn, một trong những nông dân đầu tiên mạnh dạnh đưa cây dừa xiêm về trồng tại địa phương cho biết, năm 2010, ông mua khoảng trăm cây dừa xiêm giống về trồng tại vườn, qua thời gian chăm sóc ông thấy cây dừa xiêm thích ứng tốt với vùng đất này, phát triển tốt và cho trái đạt chất lượng nên được thương lái đặt hàng tiêu thụ, mang lại thu nhập ổn định hàng tháng từ 7 đến 8 triệu có khi trên 10 triệu nên ông quyết định cải tạo gần 1ha vườn trước đây trồng mía nhưng gần đây hiệu quả kinh tế không cao để chuyển sang trồng dừa xiêm. Đến nay vườn dừa của ông đã có hơn 250 gốc, đa phần đều đã và đang bước vào thời kỳ cho trái hứa hẹn mang lại thu nhập cao hơn trong thời gian tới. So với các loại cây khác thì công và chi phí chăm sóc của dừa xiêm ít hơn các loại cây trồng khác nên hiệu quả mang lại cao, ông Khành chia sẽ.
Ông Nguyễn Võ Trường Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh cho biết, trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND huyện Vạn Ninh về chuyển đổi các diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả giai đoạn 2017 – 2020. Sau 2 năm triển khai, địa phương đã thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra, trung bình 7ha/năm cùng với đó nông dân địa phương cũng đã tích cực hưởng ứng công tác chuyển đổi đất màu, đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả; qua thống kê, đến nay đã thực hiện chuyển đổi trên dưới 50 ha trong đó chuyển đổi 40ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả, bước đầu đạt hiệu quả mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân. Một số giống cây đã cho thấy thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như: dừa xiêm, mít Thái, xoài… và được nông dân đưa vào chuyển đổi với diện tích lớn. Về phía Hội Nông dân địa phương, hàng năm Hội phối hợp cùng ngành chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hướng dẫn cách phòng chống sâu bệnh trên cây lâu năm, cây ăn quả đồng thời hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất cho Tổ hợp tác trồng cây dừa xiêm với số vốn 400 triệu đồng cùng với đó Hội sẽ thực hiện hỗ trợ vốn vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của địa phương và kiến nghị Quỹ hỗ trợ nông dân cấp trên để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho hộ có nhu cầu chuyển đổi theo kế hoạch của địa phương.
Th: Thanh Hải