UBND huyện Vạn Ninh yêu cầu chủ đầu tư những công trình có nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân đúng tiến độ cam kết với tỉnh.
Giải ngân chưa đạt kế hoạch
Năm 2022, huyện Vạn Ninh được tỉnh giao kế hoạch vốn hơn 97,2 tỷ đồng, phân bổ cho 9 dự án. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 36 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 61,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 25-7, huyện đã giải ngân gần 46 tỷ đồng, đạt 47,5% kế hoạch. Cụ thể, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đã giải ngân gần 17 tỷ đồng, đạt hơn 47% kế hoạch; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ giải ngân được gần 29 tỷ đồng, đạt 47,2% kế hoạch. Tổng nguồn vốn đầu tư công do cấp huyện, xã quản lý trong cân đối được phân bổ hơn 115 tỷ đồng. Tính đến ngày 25-7, toàn huyện đã giải ngân được hơn 55 tỷ đồng, đạt gần 48% kế hoạch.
|
Theo đánh giá của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, kết quả giải ngân tất cả các nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện chưa đạt tiến độ so với kế hoạch, nhưng cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh. Đối với nguồn vốn của Trung ương và tỉnh hỗ trợ giải ngân chưa đạt là do một số dự án vướng mắc trong việc nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng của các hộ bị thu hồi đất, làm chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ví dụ như các dự án: Trường Mầm non Vạn Long tiến độ giải ngân mới đạt 45,5%, kè chống xói lở đoạn từ cầu Trần Hưng Đạo đến Trung tâm Y tế huyện (đạt 41,8%), đường Lê Lợi (đạt 47,4%). Đối với nguồn vốn đầu tư công do cấp huyện, xã quản lý, tỷ lệ giải ngân chưa đạt do nhiều nguyên nhân, như: Chưa được bố trí vốn, chưa triển khai thi công nên chưa phát sinh khối lượng, một số công trình không có điều kiện giải ngân…
Triển khai nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, UBND huyện yêu cầu chủ đầu tư các công trình cần xác định việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân của đơn vị, địa phương. Các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, khối lượng hoàn thành đến đâu thì tổ chức nghiệm thu, thanh toán ngay, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Việc thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho các dự án trong thời gian 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn vào cuối năm. UBND huyện cũng yêu cầu các chủ đầu tư kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
|
UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ động kiểm tra, rà soát khả năng giải ngân của từng dự án đã được bố trí vốn trong năm 2022 để kịp thời tham mưu cho UBND huyện điều chỉnh ngay đối với các công trình không có khả năng giải ngân và đề xuất tăng vốn cho các công trình có khả năng giải ngân để bảo đảm hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn. Đồng thời, chủ động cân đối các nguồn kinh phí để bổ sung cho các dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo nguồn kinh phí chi trả bồi thường kịp thời, không để tình trạng dự án tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ nhưng không có nguồn để bố trí. Kho bạc Nhà nước huyện cần tăng cường công tác kiểm soát chi thanh toán nguồn vốn đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các chủ đầu tư và nhà thầu thanh toán khối lượng hoàn thành theo quy định. UBND huyện cũng sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong rà soát quỹ đất bán đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 nhằm sớm phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo kế hoạch thu ngân sách và nguồn vốn để giải ngân.
Đối với một số dự án còn vướng về việc chi trả tiền bồi thường, chủ đầu tư phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp xã tích cực vận động, thuyết phục người dân nhận tiền bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng thi công để đảm bảo tiến độ của dự án.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa