Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn do PGD Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vạn Ninh thực hiện thời gian qua đã giúp cho người dân ổn định đời sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Gia đình chị Trần Thị Gái, ở thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh là một điển hình cụ thể. Trước đây, gia đình chị Thanh thuộc diện khó khăn của xã Phúc Trạch. Năm 2018, chị vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của PGD NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn này, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm hùm lồng và cá bớp. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên tôm hùm và cá nuôi phát triển rất nhanh. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, từ một gia đình thuộc hộ khó khăn đến nay gia đình chị Gái đã trở thành hộ khá ở địa phương.
Chương trình tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được thực hiện từ năm 2007, với mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; trên 30-100 triệu đồng thì phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Đến năm 2016, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn, chương trình cho vay được điều chỉnh, theo đó, mức vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tăng lên tối đa 50 triệu đồng; trên 50-100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Để đồng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh lúc khó khăn là nguồn lực quan trọng đối với người dân vì vậy NHCSXH huyện đã nỗ lực triển khai các giải pháp, tăng cường mở rộng mạng lưới, nhất là vùng sâu, vùng xa đem đồng vốn ưu đãi đến với người dân.
Tại mỗi xã, NHCSXH đều đặt điểm giao dịch và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định. Cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn các hộ dân xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ngay từ cơ sở. Đối với những thôn, bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ nhằm nâng cao nhận thức, xác định khả năng đầu tư phù hợp.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, đồng thời, phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền đến người dân được biết. Đơn vị luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập.
Nhờ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều người dân ở địa phương đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế, như: nuôi trồng, đánh bắt hải sản, chăn nuôi bò sinh sản, trồng măng tây, cải tạo vườn cây ăn trái. Nguồn vốn này đã góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình, nhiều hộ đã trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Hiện tại, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn ở huyện Vạn Ninh đạt trên 63 tỷ đồng. Trong đó, một số xã có dư nợ cao, như: Vạn Thạnh, Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Long, …
Có thể khẳng định, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn do PGD NHCSXH huyện Vạn Ninh thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, góp phần to lớn đối với công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm tại địa phương.
Phương Chi