Từ kết quả nghiên cứu Đề án thí điểm kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ đã soạn dự thảo nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức và tổ chức nhiều hội thảo góp ý. Tại hội thảo tổ chức tại Khánh Hòa vào tháng 5, các đại biểu đã đề nghị sớm ban hành nghị định để thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong cả nước.
Cần sớm có nghị định
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, từ năm 2019, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu Đề án thí điểm kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo góp ý đề án. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, nên việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng nghị định và được áp dụng ngay, không thí điểm. Ngày 18-2-2022, Bộ Nội vụ khởi động Dự án Hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu Đề án thí điểm kiểm định chất lượng đầu vào công chức, bộ đã soạn dự thảo nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
|
Đại diện 13 sở nội vụ khu vực miền Trung và Tây Nguyên dự hội thảo tại Khánh Hòa đều cho rằng, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất trong cả nước là đổi mới tích cực trong công tác tuyển dụng, do đó cần sớm ban hành nghị định. Hầu hết ý kiến cũng đề xuất nên giao Bộ Nội vụ tổ chức kiểm định để đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Đa số ý kiến ủng hộ việc tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính; nội dung kiểm định tập trung đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh trên các phương diện về kiến thức, kỹ năng, logic, năng lực nhận thức, tư duy, khả năng ứng dụng vào thực tiễn...
Đề xuất xem xét một số nội dung
Bộ Nội vụ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức 3 hội thảo góp ý dự thảo nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dự kiến, nghị định sẽ được trình Chính phủ vào tháng 9. |
Tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất nên giảm bớt số đợt tổ chức kiểm định trong năm và bố trí khoảng 100 câu hỏi/kỳ kiểm định. Ông cũng đề nghị xem xét đưa nội dung phần thi tin học vào tổ hợp chung trong một bài thi kiểm định, vì theo Nghị định số 138/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học. Về thang điểm, ông đề nghị xem xét tỷ lệ số câu trả lời đúng để xác định mức đạt trong đánh giá kiểm định. Dự thảo xây dựng mức đạt là từ 60% đến dưới 70% số câu trả lời đúng, nhưng Nghị định số 138 chỉ quy định, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.
Ông Đàm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng phân tích, dự thảo quy định, kết quả kiểm định căn cứ vào số câu trả lời đúng của thí sinh: Trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên đạt loại xuất sắc; 80% đến dưới 90% số câu hỏi đạt loại giỏi; 70% đến dưới 80% số câu hỏi đạt loại khá và từ 60% đến dưới 70% số câu hỏi xếp mức đạt. Tỷ lệ này quy định thấp hơn nếu thí sinh có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào làm ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cần xem xét việc xếp loại kết quả kiểm định có cần thiết hay không, bởi dự thảo quy định kết quả kiểm định là điều kiện để thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng; cơ quan quản lý công chức chỉ tiếp nhận thí sinh đạt kết quả kiểm định để tham dự môn thi nghiệp vụ chuyên ngành trong kỳ tuyển dụng công chức, nghĩa là chỉ cần mức đạt đã đủ điều kiện được tiếp nhận dự thi. Còn nếu xếp loại kết quả kiểm định thì cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138… Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, không có quy định cấm thí sinh đạt kết quả kiểm định không được tham gia dự tuyển các bước tiếp theo; còn nếu xếp loại để làm căn cứ xem xét ở những bước tuyển dụng tiếp theo thì chỉ cần ghi số câu trả lời đúng trong chứng nhận kết quả kiểm định.
Ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho rằng, dự thảo đưa 2 phương án là 180 câu hỏi với thời gian thi 200 phút hay 120 câu hỏi với thời gian thi 150 phút/kỳ kiểm định là quá áp lực với thí sinh. Một số ý kiến cho rằng, quy định tổ chức kiểm định tối thiểu 4 đợt/năm là quá nhiều; kết quả kiểm định có giá trị sử dụng trong 24 tháng là ngắn...
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/