Hiện nay đang bước vào mùa nắng nóng, hanh, khô, nguy cơ xảy ra cháy tại những khu vực công cộng, đông dân cư là rất cao, có thể gây thiệt hại cho người dân. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) – Công an tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra các khuyến cao về thực hiện các biện pháp PCCC tại khu vực công cộng, đông dân cư như: các nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chợ và trung tâm thương mại.
Dưới đây là nội dung chi tiết.
Khuyến cáo về các biện pháp PCCC và thoát nạn đối với Chợ và Trung tâm thương mại
Để đảm bảo an toàn PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo các biện pháp an toàn như sau:
1. Mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định.
2. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ.
3. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
4. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại.
5. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh.
6. Để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê ông, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm.
7. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng.
8. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.
9. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận.
10. Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.
11. Trang bị phương tiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy; phương tiện cứu nạn cứu hộ phục vụ việc báo cháy, chữa cháy thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy theo quy định của pháp luật.
12. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong tình huống xẩy ra cháy phức tạp nhất.
13. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất đồng thời tổ bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án./.
Khuyến cáo về các biện pháp PCCC
đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh
Để đảm bảo an toàn PCCC tại các nhà hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo các biện pháp an toàn như sau:
1. Chủ hộ gia đình cần nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản và pháp luật về PCCC; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong hộ gia đình của mình thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tập huấn các kỹ năng về PCCC&CNCH.
2. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện bị hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, có biện pháp chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn trong cùng một ổ cắm.
4. Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua các tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà.
5. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ. Sắp xếp vật dụng, hàng hóa cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như tủ điện, ổ cắm điện…) tối thiểu 0,5m.
6. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, sử dụng các thiết bị phát sinh lửa như: hàn cắt kim loại...phải có người trông coi. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… và các chất dễ cháy khác để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. Ô tô, mô tô, xe máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
7. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Không nên thắp đèn hương, nến, đèn cầy khi đi ngủ hoặc không có người ở nhà. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
8. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột, côn trùng cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van xả gas lại; vị trí đặt bếp gas, bình gas cần phải đảm bảo thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; nên lắp đặt đầu báo dò khí gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.
9. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
10. Không sắp xếp hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt trên hành lang, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn của nhà; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, lôgia của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết.
11. Chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera; cài đặt và sử dụng Aap “Báo cháy 114” trên điện thoại di động Smartphone; trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: dụng cụ trữ nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh; trang bị dụng cụ phá dỡ (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực, thang, thang dây…), đèn pin, mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói, mở cửa và thoát nạn. Quy định rõ vị trí đặt các phương tiện này, hướng dẫn cho mọi thành viên trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. Đối với các hộ nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh có từ 05 hộ trở lên cần lắp đặt “Tổ liên gia an toàn PCCC”
12. Mỗi gia đình nên chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra. Khi có cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối lên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang gỗ, sắt, dây…, đồng thời báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 hoặc cơ quan Công an gần nhất./.
Nguồn: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Khánh Hòa