Từ năm 2015 đến nay, phong trào nông thôn mới ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chuyển biến mạnh mẽ. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, sự nhiệt tình tham gia của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nỗ lực vượt khó
Năm 2010, huyện Vạn Ninh bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Khi đó, hệ thống giao thông nông thôn của các xã hầu hết là đường đất, tiềm năng, thế mạnh của địa phương chưa được khai thác hiệu quả; Thu nhập của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp nên còn thấp so với toàn tỉnh.
Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, huyện bước vào xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh hết sức khó khăn, kinh phí hạn hẹp. Tuy nhiên, xác định đây là chương trình trọng điểm quốc gia nên huyện vẫn ưu tiên tăng cường nguồn lực cho chương trình NTM, đồng thời huy động các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đóng góp. Sau 10 năm triển khai chương trình, đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện đạt hơn 714 tỷ đồng, riêng 5 năm qua hơn 400 tỷ đồng với hàng trăm công trình như giao thông, kênh mương, trường học…
Trong những năm qua, huyện đã tập trung chuyển đổi các hình thức sản xuất theo hướng cơ giới hóa, khai thác lợi thế vốn có về điều kiện tự nhiên thông qua việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến nông, đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện ra thị trường trong và ngoài nước như: Chả cá, thủ công mỹ nghệ, trầm hương ... Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. các hoạt động xây dựng nông thôn mới, tích cực lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…
|
Phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới
Trong những năm tới, huyện sẽ phát động nhiều phong trào thi đua gắn với các mô hình hiệu quả, nhân rộng cách làm hay, điển hình tiên tiến trong thực hiện nông thôn mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân để người dân hiểu và tích cực tham gia xây dựng NTM.
Để thực hiện thành công mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, theo ông Võ Lực Phẩm, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; có biện pháp huy động chủ động, linh hoạt, tranh thủ mọi nguồn vốn theo phương châm đa dạng hóa nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ bên ngoài; đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nhà ở ... nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Để hiện thực hóa điều này, địa phương cần nguồn kinh phí hơn 225 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa quê hương trong các trường học; làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở gắn với nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ về dân số, gia đình và trẻ em; nâng cao hiểu biết của người dân về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng các công trình hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các giải pháp, phương án bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cảnh quan, không gian nông thôn xanh - sạch - đẹp; đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tại các huyện đảm bảo điều kiện môi trường theo quy định; rà soát, tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện bộ tiêu chí nâng cao, phấn đấu có xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn tới.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa