Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh Khánh Hòa chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp PCCC, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường…
Phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke ở tỉnh Bình Dương làm nhiều người thiệt mạng, ông Võ Văn Hoàng Sơn - Tổng Quản lý quán karaoke Avatar trên đường 2-4 (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang), cùng các thành viên thuộc đội chữa cháy cơ sở của quán lập tức kiểm tra toàn bộ hệ thống vận hành báo cháy, chữa cháy tự động tại các phòng hát; đồng thời kiểm tra lại hệ thống vòi chữa cháy, hệ thống tăng áp tại mỗi tầng của tòa nhà. Qua kiểm tra, toàn bộ hệ thống đang được vận hành trong điều kiện tốt. Ngoài ra, các thành viên trong đội cũng kiểm tra lại quần áo bảo hộ, mặt nạ và các bình chữa cháy cầm tay. “Để đảm bảo hệ thống chữa cháy được vận hành tốt, cách đây vài ngày, chúng tôi đã rà soát lại hệ thống chữa cháy của quán. Hàng năm, chúng tôi luôn được lực lượng chức năng huấn luyện an toàn về PCCC, kỹ năng thoát nạn, hướng dẫn thoát nạn cho khách khi có sự cố xảy ra. Do vậy, mọi nhân viên của quán, nhất là các thành viên trong đội chữa cháy cơ sở đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng khá thành thục trong công tác PCCC và CNCH”, một thành viên trong đội chữa cháy của quán Avatar cho biết.
|
Theo quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke khi đầu tư, đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, trong đó phải đảm bảo an toàn về PCCC. Do đó, chủ cơ sở kinh doanh karaoke và nhân viên phải tuyệt đối tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về an toàn PCCC. Cùng với đó, Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra định kỳ 2 lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh karaoke để đảm bảo an toàn PCCC và xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC.
Những lưu ý
Để bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo một số giải pháp PCCC và CNCH. Khi xây dựng cơ sở kinh doanh karaoke độc lập cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500m3 trở lên phải lập hồ sơ thiết kế và gửi cơ quan Cảnh sát PCCC để thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa cơ sở vào hoạt động. Đối với cơ sở karaoke có diện tích sử dụng từ 200m2 hoặc khối tích từ 1.000m3 trở lên phải được trang bị hệ thông báo cháy tự động. Đối với cơ sở karaoke cao từ 3 tầng trở lên, cơ sở cao 1 hoặc 2 tầng có diện tích kinh doanh từ 3.500m2 hoặc karaoke bố trí trong tầng hầm phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động. Các cơ sở phải tổ chức cho nhân viên phục vụ tìm hiểu, học tập kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành quy định về an toàn PCCC; niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy; trang bị đầy đủ bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn tại nơi quy định; trang bị dây thoát nạn, dây hạ chậm tại ban công, lô gia hoặc tầng mái của cơ sở; trang bị phương tiện phá dỡ đặt ở bên trong cơ sở. Các cơ sở tuyệt đối không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo che lấp ban công, lô gia; tầng sân thượng phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái; bảo đảm có từ 2 lối thoát nạn trở lên. Vật liệu dùng để trang trí, ốp trần, tường cách âm phải bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, bên trong các vật liệu trang trí này không nên lắp đặt quá nhiều đèn chiếu sáng trang trí... Khi xảy ra cháy, các cơ sở phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114, đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.
Đối với người dân khi đến quán karaoke để vui chơi, cần tự tìm hiểu, trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản về xử lý cháy, thoát nạn; cần quan sát kỹ các lối thoát nạn, vị trí bố trí các phương tiện chữa cháy đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý kịp thời và an toàn cho chính bản thân. Khi xảy ra cháy, người dân cần bình tĩnh, hô hoán báo động cho nhiều người biết để thoát ra ngoài; nên chạy ra nơi an toàn qua cửa chính, cầu thang thoát hiểm, tuyệt đối không được sử dụng thang máy. Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, người dân hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói; sau đó men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn. Trong trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm, người dân phải nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác như: Ban công, cửa sổ, sân thượng dẫn sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây; tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh. Nếu không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo quần thấm ướt, trùm lên đầu và người rồi cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Thượng tá Hồ Chí Thanh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH: Đơn vị đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với chính quyền các cấp triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện an toàn về PCCC và CNCH tại các quán bar, vũ trường và quán karaoke từ ngày 11-8 đến hết 20-9. Công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung: Việc xây dựng lực lượng chữa cháy tại các cơ sở, lập các phương án chữa cháy khi có tình huống xảy ra; việc huấn luyện kỹ năng PCCC, CNCH cho lực lượng chữa cháy tại các cơ sở. Đối với các trường hợp vi phạm, đơn vị chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về PCCC; trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy sẽ kiên quyết tạm thời đình chỉ hoạt động.
___________________________________________
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ hỏa hoạn, làm thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng, không có thiệt hại về người. Trong số 12 vụ hỏa hoạn, không có xảy ra cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar.
|
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa