Hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) có các loài sinh vật biển phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, những năm qua, do thiếu nguồn lực nên hoạt động bảo vệ còn hạn chế, cầm chừng, không bền vững. Vì vậy, UBND xã Vạn Hưng đã thành lập tổ cộng đồng chung tay bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản khu vực biển Rạn Trào.
Còn nhiều hạn chế
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, Rạn Trào là một trong nhiều khu vực rạn san hô thuộc vịnh Vân Phong. Khu vực này có diện tích 89ha, trong đó vùng lõi 54ha, vùng đệm 35ha. Rạn Trào có hệ động - thực vật phong phú, đa dạng và độ phủ san hô khá cao với chất lượng tương đối tốt so với các rạn khác trong toàn bộ vịnh. Qua nghiên cứu, khu vực này ghi nhận có 145 loài thực vật và 115 loài động vật phù du; 25 loài sinh vật đáy; 114 loài cá; 35 loài thân mềm; 82 loài san hô, 6 loài cỏ biển; 29 loài rong biển…
Từ năm 2008, các ngành chức năng đã xây dựng Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào và thành lập ban quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) ở Hà Nội. Qua đó, đã giúp thực hiện các hoạt động tuần tra, bảo vệ, đánh giá hệ sinh thái, truyền thông môi trường biển và phát triển sinh kế bền vững. Thế nhưng, kể từ năm 2014 đến nay, khi MCD hết thời gian thực hiện dự án tại Rạn Trào thì nguồn kinh phí để duy trì hoạt động bảo vệ rất hạn chế, cầm chừng, không bền vững.
|
Theo quy định, thuyền đánh cá gắn máy có chiều dài dưới 6m không được đăng ký, cấp phép, nhưng tình trạng các phương tiện này xâm phạm vào khu vực biển Rạn Trào ngày càng tăng làm gia tăng áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven biển. Mặt khác, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư ven biển vẫn đổ trực tiếp xuống biển, gây ô nhiễm và làm mất cảnh quan bờ biển. Các bè nuôi tôm hùm xung quanh khu vực Rạn Trào vẫn còn vứt bao ni-lông, vỏ sò, rác sinh hoạt... xuống biển, gây ô nhiễm trực tiếp trên nền rạn san hô tại đây.
Ngoài ra, ngư dân vẫn hoạt động các nghề cấm trên vùng biển Vạn Hưng, như: Giã cào, lặn, xung điện và sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định… gây bức xúc trong cộng đồng. Mức sống của ngư dân thấp, ít có nghề phụ trợ, phụ thuộc chủ yếu vào khai thác nên áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ngày càng tăng. Ban Quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào có số lượng ủy viên đại diện của cộng đồng khá ít; các ủy viên còn lại hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng
Ông Huỳnh Ngọc Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào cho biết, địa phương và cộng đồng dân cư đã thống nhất thành lập Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vạn Hưng nhằm phát huy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản khu vực biển Rạn Trào một cách bền vững, lâu dài, hợp lý. Trong đó, tập trung bảo tồn rạn san hô, duy trì nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên, sinh vật biển. Hiện nay, tổ đã phát triển được gần 60 thành viên, trong đó đội bảo vệ dưới nước là 4 người, đội tuyên truyền 5 người, thành viên liên kết tham gia hơn 50 người. Thời gian tới, tổ sẽ tiếp tục phát triển các thành viên nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức của người dân.
Mọi người dân sinh sống tại xã Vạn Hưng đều có quyền tham gia tổ cộng đồng, đóng góp công sức cho công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và được ưu tiên hưởng lợi từ hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, làm dịch vụ, du lịch… theo quy định. Tổ cộng đồng tổ chức trực canh 24/24 giờ bảo vệ, quản lý, giám sát để nhắc nhở, ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm; thường xuyên tổ chức thu gom rác thải, bắt và tiêu hủy sao biển gai; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường…
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện: Việc chính quyền và người dân xã Vạn Hưng thành lập Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực biển Rạn Trào là rất cần thiết. Qua đó, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững. Đặc biệt, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng, phát triển huyện trở thành đô thị du lịch biển cao cấp. Do đó, việc bảo vệ Rạn Trào là một nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ tạo sự đa dạng về sinh học biển vịnh Vân Phong, mà còn phục vụ phát triển du lịch biển bền vững, hiệu quả sau này…
_______________________________________________
Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực biển Rạn Trào đã ban hành phương án bảo vệ chi tiết, rõ ràng và niêm yết công khai, phổ biến đến người dân. Theo đó, trong vùng lõi của Rạn Trào, cấm tất cả các loại hình khai thác, nuôi trồng thủy sản, ngoại trừ các hoạt động nghiên cứu khoa học. Tại vùng đệm chỉ dành cho hoạt động tham quan, lặn biển, thí điểm các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, đặt bè nổi phục vụ cho công tác bảo vệ. Các nghề khai thác thủy sản truyền thống tại địa phương được phép hoạt động tại vùng đệm, như: Câu, lồng mực, nhá, lưới ghẹ, lưới cá (lưới 3) và cấm các nghề lặn, lờ dây, giã cào.
|
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa