Theo báo cáo của huyện Vạn Ninh, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại cho huyện khoảng 4.886 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, toàn huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, có 50 trường với 80 điểm trường học đã được khắc phục tạm thời, học sinh đã đi học trở lại. Điện, đường, vệ sinh môi trường cũng đã được khắc phục cơ bản. Huyện đã trích hơn 216 triệu đồng để thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình có người bị chết, bị thương nặng; cấp hơn 368 tấn gạo hỗ trợ cho 7.091 hộ. Thành lập 10 tổ công tác trực tiếp xuống các xã, thị trấn thống kê những hộ bị thiệt hại về nhà ở. Trên cơ sở đó, tạm ứng hơn 11,9 tỷ đồng để hỗ trợ (đợt 1) với mức 10 triệu đồng/hộ bị sập nhà hoàn toàn và 5 triệu đồng/hộ nhà bị hỏng nặng. Mặt trận huyện đã tiếp nhận và phân bổ hơn 6,5 tỷ đồng (tiền mặt và hiện vật) cho người dân. Trước đó, đồng chí Lê Thanh Quang đã đi kiểm tra thực tế tại Trường THCS Văn Lang (thị trấn Vạn Giã) và Trạm Y tế xã Vạn Thắng. Đây là một trong hai đơn vị phải gánh chịu nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất. Đến nay, 2 đơn vị này đã khắc phục sơ bộ, đảm bảo cho công tác dạy học và khám, chữa bệnh cho người dân.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thanh Quang chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương cần xác định những công việc cấp bách, cấp thiết để tập trung giải quyết trước. Trong điều kiện nguồn hỗ trợ của Trung ương còn hạn chế, huyện Vạn Ninh và các sở, ngành cần huy động tổng lực từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, với tinh thần mọi người, mọi cấp cùng tham gia. Việc hỗ trợ phải được lập danh sách cụ thể, đúng đối tượng, niêm yết công khai, giám sát chặt chẽ tránh việc lợi dụng để thu lợi bất chính. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương quy hoạch và khống chế quy mô nuôi trồng thủy sản; tập trung hỗ trợ giống cây trồng ngắn ngày, rau màu cho người dân sản xuất. Ngành Ngân hàng cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ, cho vay ưu đãi để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống./.
Thực hiện: Hoài Duy